Để chuẩn bị làm bánh, người ta trèo lên ngọn cây thốt nốt lựa những tàu lá hơi già chặt đem xuống, rửa sạch, phơi khô, rọc từng mảnh rồi đan thành hình vuông và chóp nón tam giác. Vỏ bánh phải là nếp rặt (nếp “chon-hô” của đồng bào Khmer), loại ngon, trắng, dẻo, ngâm qua một đêm, gút sạch, để ráo. Người ta ngâm đậu trắng một đêm rồi đãi vỏ, vo sạch, gút ráo nước. Sau đó cho nếp để ráo, đậu trắng, nước cốt dừa cùng chút muối hột và một ít đường thốt nốt vào, xào sơ cho nếp rút hết gia vị. Bánh có hai loại nhưn: nhưn đậu xanh và nhưn chuối. Để làm nhưn đậu, đậu xanh được nấu mềm với chút muối đường rồi tán mịn, vo viên. Để làm nhưn chuối, người ta dùng chuối xiêm chín lột bỏ vỏ, cắt thành ba khúc, ướp muối, đường thốt nốt vừa ăn.
<!—->
Tất cả đã sẵn sàng, nếp đã xào được xếp vào lòng lá, đặt viên nhưn đậu xanh hoặc một khúc chuối xiêm chín vào giữa, phủ kín lớp nếp lên trên, ấn cho dẽ dặt và kết chặt nắp lại (nếu bánh gói hình vuông) hoặc gói kín (nếu bánh hình chóp nón tam giác). Bánh hình vuông kết sao cho bốn góc vuông vắn. Rồi cột bánh lại bằng dây thốt nốt, dây lác hoặc dây ni-lông. Sau cùng, bánh được buộc thành chùm 10 cái, cho vô xửng hấp khoảng 2 giờ đồng hồ thì chín.
Nhìn bề ngoài bánh “ka-tom” có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt, hao hao giống bánh dừa của người Việt, nhất là phần nhưn bánh. Khi lột bỏ lá, không dính vào vỏ bánh, vỏ bánh sáng bóng, lấm chấm những hột đậu trắng. Nếu là nhưn chuối thì khi cắn ta sẽ thấy một màu đỏ ửng đậm của chuối nấu chín. Nhai chầm chậm từng miếng bánh nhưn đậu, ta sẽ nghe những hột nếp mềm mịn, dẻo thơm, những hột đậu trắng và nhưn đậu xanh đậm đà vị mặn dịu, ngọt thanh lan tỏa. Bánh còn có mùi vị đặc trưng của lá thốt nốt sau hai giờ chìm trong nồi nước trên ngọn lửa đỏ…/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch