Đến Tam Đảo vào mùa đông, nếu thức dậy vào buổi sáng sớm, đi bộ thong dong trên những con đường, du khách sẽ cảm nhận thấy không khí trong lành, không gian tĩnh lặng trái ngược với sự náo nhiệt vào mùa hè. Tản bộ lên Nhà thờ đá ở trung tâm thị trấn để có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả thung lũng Tam Đảo trong sương mờ, lẩn khuất đâu đó là màu xanh của núi rừng và những cung đường thoắt ẩn, thoắt hiện. Đến đây, bạn không chỉ được tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi mà còn được thưởng thức những đặc sản riêng có của núi rừng, ngoài rau su su, măng rừng,… Đặc biệt, du khách không thể không bị mê hoặc bởi ẩm thực nướng nơi đây, nhất là vào mùa đông.<!—->
Lợn đồi nướng xiên
Đây là loài lợn được người dân bản địa thả nuôi trong rừng, thức ăn chủ yếu là rau củ và rễ cây rừng . Người bán chọn những thớ thịt ngon, thái ra từng miếng mỏng nhỏ, ướp gia vị đặc biệt để miếng thịt trở nên đậm đà và thơm nức mũi rồi nướng trên than hoa mới đạt, các xiên thịt tươi được đặt trên một chiếc chảo than hồng rực lửa tỏa hương thơm ngát mũi. Nướng đến khi thịt chảy hết mỡ, có màu vàng nâu đẹp mắt là thịt đã chín tới và được thưởng thức cùng với các loại rau thơm. Vì lợn được thả trên đồi và không ăn cám như lợn nhà nên thịt rất chắc chứ không bị bở, miếng thịt càng nhai càng thấy vị ngọt.
Chim cút nướng
Lang thang khắp phố đêm Tam Đảo, chắc hẳn không thể bỏ qua thứ mùi hương hấp dẫn từ những con chim cút nướng lan tỏa khắp không gian. Chim cút rất bổ, thịt chim cút được các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng có tác dụng đặc biệt tốt đối với khí huyết và xương cốt. Chim được ướp ít nhất 30 phút với bột điều, hoa quế, hoa hồi, đường, tiêu, ớt, lá móc mật,… để tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng của món ăn. Vừa nướng xong, chim cút còn xèo xèo mỡ nghe rất vui tai, xắn một miếng với lớp da nướng vàng giòn, những thớ thịt sẫm đỏ thấm đẫm gia vị, dai nhưng không khó nhai, mềm nhưng không bở, ngọt nhưng không hề ngấy. Đêm tối lập lòe ánh đèn nơi đồi cao, tán gẫu với nhau dăm ba câu chuyện vui không dứt, có thêm đĩa chim cút nướng, nhấp ngụm rượu chít, rượu táo mèo thì dường như cái lạnh mùa đông không còn.
Trứng nướng
Đi dạo Tam Đảo vào buổi tối, du khách sẽ gặp rất nhiều quán đồ ăn vặt dọc đường. Không cầu kì hay cần phải sang trọng, các hàng quán ở đây chỉ có vài chiếc bàn nhỏ, mấy chiếc ghế nhựa là đã sẵn sàng đón khách vào thưởng thức. Đồ nướng được bày bán khắp nơi với đủ các chủng loại: ngô, khoai, sắn nướng, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là trứng nướng. Trứng nướng không khó làm nhưng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhậy của người nướng trứng, người bán hàng một tay quạt lửa, tay kia cầm cái gạt thoăn thoắt trở từng quả trứng thật điệu nghệ. Than đượm lửa hồng, khói từ bếp than bốc lên đụn thành từng sợi hòa với làn mây tan vào hơi núi, khi trứng gà trên bếp đã chuyển sang màu vàng, rồi dần dần có những chỗ đen sém lại vì lửa là lúc trứng đã chín. Vừa bóc, vừa thổi quả trứng còn nóng hổi trên tay, cắn một miếng trứng đậm đà, tận hưởng cái hương vị thơm bùi của lòng đỏ, dai giòn của lòng trắng chấm với muối tiêu đen, một cảm giác thật thú vị giữa tiết trời se lạnh.
Gà đồi bọc đất
Gà đồi Tam Đảo chủ yếu là gà ri thả rừng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như gà đồi rang muối, gà đồi hầm, gà đồi rang hành mỡ…. Đặc biệt là món gà đồi bọc đất nướng hấp dẫn nhiều du khách. Sau khi được làm sạch, gà được bọc lớp lá sen rồi tiếp đến là lớp đất sét dày bên ngoài khoảng từ 5 đến 10 mm. Gà được nướng trong than cho đến khi lớp vỏ đất bên ngoài chuyển sang màu đen như một lớp ngói gốm, một vài chỗ nứt lấm tấm. Gõ nhẹ cho lớp đất bong ra, gỡ bỏ lớp lá sen bọc ngoài, lớp da vàng ruộm hiện ra cùng mùi thơm quyến rũ, chỉ nhìn thôi là đã muốn ăn rồi. Thịt gà chắc, ngọt, hơi dai chứ không mềm bở, càng nhai lâu sẽ càng thấy được cái vị thơm thơm, ngọt ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi. Sự hòa hợp từ vị ngọt của gà, mùi thơm thanh mát của lá sen, lá chanh cùng vị mặn của muối, vị cay của tiêu, của ớt, vị chua của chanh chắc chắn sẽ để lại ấn tượng trong lòng thực khách.
Cơm lam
Có lẽ cơm lam là món ăn đặc trưng thường có ở những vùng miền núi trên mảnh đất Việt <!—->Nam. Trên thị trấn nhỏ này dễ dàng bắt gặp từng thanh nứa dài chừng hai gang tay xếp gọn trên bếp than hoa đỏ lửa khi đi dạo một vòng quanh Tam Đảo về đêm. Một ống cơm lam được làm rất kỳ công. Gạo thổi cơm lam là gạo nếp nương hạt phải trắng, đều tăm tắp, vo kỹ, trộn nước dừa . Sau khi ngâm gạo kỹ, người ta cho vào từng ống nứa nhỏ xanh đường kính chừng 2 – 3cm, không non quá cũng không già quá. Gạo nếp đã thơm, quyện vào mùi ống nứa nướng trên lửa than hoa lại càng thơm. Vị ngọt nồng khó cưỡng đó phải trải qua 3 đến 4 giờ đồng hồ mới chín, bởi vậy người ta thường nướng sẵn và khi có khách gọi thì quạt nóng từng ống cơm lên. Để ăn được ống cơm lam sao cho ngon và đẹp mắt, hãy để người dân Tam Đảo chỉ cho cách bóc từng sợi nứa nhỏ để cơm không bị dính, giữ nguyên được hình dạng của ống nứa. Ống cơm lam khi bóc ra còn lớp màng của ống nứa vàng thơm, khi ăn chấm với muối vừng cũng đủ để làm dậy lên hương vị rừng núi.
Ngoài ra, Tam Đảo còn có rất nhiều món ăn khác như ngô, khoai, mía nướng,… Vừa ngồi thưởng thức đặc sản vừa đắm mình trong ngàn mây trời quyện núi và tận hưởng không khí thanh bình hiếm có ở xứ mù sương có lẽ là điều tuyệt vời khó quên nhất đối với những người từng đến Tam Đảo. Hãy thử một lần đặt chân đến nơi đây để trải nghiệm điều tuyệt vời ấy không chỉ vào mùa đông.
/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch