Bánh dầy Quán Gánh được đem đi trưng bày tại các hội chợ triển lãm
Sản phẩm làng nghề
Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Nguyễn Bích Thủy cho biết, lịch sử nghề làm bánh dầy Quán Gánh được truyền lại bằng câu chuyện, rằng ngày xưa có một người ăn mày đi qua đây được dân làng đối xử tử tế. Người này đã cảm kích và dạy cho dân làng cách làm bánh dầy…
Cũng từ đây bánh dầy Quán Gánh ban đầu chỉ là những gói bánh dầy được người dân địa phương sản xuất xong rồi để ăn hoặc bán dạo ven đường QL 1A cho người dân qua lại. Dần dần theo thời gian, món bánh dầy ở nơi đây bắt đầu được người dân và du khách thập phương biết đến. Từ đây, cái tên bánh dầy Quán Gánh cũng vang xa hơn.
Hiện nay xã Nhị Khê chỉ còn duy nhất có thôn Thượng Đình vẫn còn hàng chục hộ gia đình làm bánh dầy và bán ở ven đường QL 1A, trong đó có gia đình có 3 thế hệ gìn giữ nghề của làng bánh dầy Quán Gánh.
Gọi là một tấm bánh, nhưng đó chỉ là hình thức bên ngoài. Bánh dầy Quán Gánh đã trở thành hình tượng giàu tính nhân văn. Bên trong mỗi tấm bánh dầy là 6 cái bánh nhỏ để khi gói tạo thành hình vuông hoàn hảo như bánh chưng. Tại thời điểm hiện nay, người dân địa phương chỉ bán với giá khoảng 25 nghìn đồng cho gói bánh 6 cái.
Rửa sạch lá dong rồi phơi khô để khi gói bánh dầy sẽ không bị mốc
Bà Nguyễn Thị Tuất ở thôn Thượng Đình (gần 90 tuổi) đã biết làm bánh dầy từ lúc còn nhỏ chia sẻ, để kịp có được những mẻ bánh dầy dẻo thơm ngon trong ngày, người thợ làm bánh tại đây thường phải bắt đầu dậy từ 1- 2 giờ sáng để thực hiện bước vo gạo, vo đậu sạch sẽ rồi đồ xôi. Trước khi làm bánh, gạo được sàng lọc rất kỹ, hạt gạo đều nhau, không lẫn sạn và gạo tẻ. Khi đồ xôi gần chín, người đầu bếp phải vẩy thêm ít nước ấm vào trong nồi để xôi chín đều, phả mùi thơm nức ra xung quanh. Sau đó, xôi được đổ ra cối và giã thành một khối bột dẻo quánh, trắng muốt mới đạt tiêu chuẩn.
“Để bánh có độ dẻo, dai, người làm bánh phải dùng tay sạch để vắt khối bột nếp thành những nắm nhỏ đều nhau, sau đó nắn, vo tròn, bóp bẹp rồi dàn vỏ bánh dẹt đều, cho nhân vào và vê kín lại. Cái khéo là người vắt bánh phải nhanh tay, giữ cho tấm bánh bóng mịn, giấu nhân sao cho đẹp mắt” – bà Tuất cho biết.
Theo bà Tuất, muốn có được vỏ bánh dẻo, thơm, không bị cứng dù để lâu thì phải chọn được những hạt nếp cái hoa vàng đều nhau, giã kỹ đến khi hạt gạo trắng muốt. Nhân đỗ phải được nêm nếm đậm đà. Rửa sạch lá dong rồi phơi khô để khi gói bánh không bị mốc.
Bánh dầy Quán Gánh có 3 loại: Chay, ngọt và mặn. Bánh chay không nhân, thường ăn kèm với giò, chả hoặc chè đường. Bánh ngọt là nhân đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn, xào với đường, dừa bào. Bánh mặn nhân đỗ xanh được đồ chín, nghiền nát ướp với tiêu xay mang tới hương vị đặc trưng khi thưởng thức.
Gạo nếp luôn được chọn lọc kỹ càng để loại bỏ những hạt lép
Món ăn không thể thiếu ở những mâm cỗ
Trưởng thôn Thượng Đình Nguyễn Viết Hoan cho biết, nhiều năm trở lại đây, bánh dầy Quán Gánh đặc biệt được nhiều gia đình ưa chuộng để đặt trong tiệc của các đám “nên duyên” vợ chồng và những bữa tiệc vui khác nhất là ở các tỉnh, TP khu vực phía Bắc.
Trải qua năm tháng trong quá khứ và hiện tại, bánh dầy đã đến với nhiều du khách thập phương gần xa. Trước đây, bánh dầy được khách khu vực phía Bắc mua làm quà biếu ông bà, cha mẹ hay thắp hương ngày tuần rằm; hiện nay, người dân ở khu vực các tỉnh phía Nam cũng ưa chuộng sản phẩm bánh dầy Quán Gánh.
Những vị khách ăn lần đầu khi thưởng thức bánh chay, càng ăn càng thấy dẻo, đượm ngọt vị của gạo nếp. Với bánh nhân mặn, vừa có vị béo của nhân mỡ hòa với vị bùi ngậy của cùi dừa, đỗ xanh và đượm hương cay đầu lưỡi. Với bánh nhân ngọt là sự hòa quyện của vị ngọt đường với vị ngọt đượm bùi của đỗ xanh.
Theo bà Nguyễn Thị Tuất, bánh dầy Quán Gánh không phải là món ăn cao sang, cầu kỳ nhưng rất thanh tao, dân dã; là thứ bánh của nhà nông nhưng lại mang ý nghĩa lịch sử từ lâu đời, sâu sắc được liệt kê vào trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Bắc.
Bánh dầy Quán Gánh đã trở thành món ăn đặc sản
Bánh dầy Quán Gánh thường được xếp khéo léo 6 cái gói trong 2 chiếc lá dong xanh, buộc lạt hồng, thêm tem đỏ với chữ “Vạn sự như ý” vô cùng bắt mắt.
Chị Nguyễn Thị Toan, thôn Thượng Đình đã làm nghề bánh dầy hàng chục năm tâm sự, bí quyết tạo ra những chiếc bánh dầy dẻo thơm tại đây chính là sự tần tảo, thật thà và cái tâm của người làm nghề. Nghề làm bánh dầy chưa bao giờ giàu, lợi nhuận so với công sức bỏ ra thì chẳng đáng là bao. Từ xa xưa nghề làm bánh dầy chính là hồn cốt của làng đã ngấm vào máu thịt nhiều người dân nơi đây. Do vậy, những gia đình ngày nay còn duy trì nghề làm bánh dầy ở thôn chỉ làm bánh phục vụ trong ngày. Bánh dầy của các gia đình ở thôn Thượng Đình không sử dụng phụ gia và không làm hàng chợ.
“Hiện tại, ước tính hiện nay toàn xã Nhị Khê chỉ còn khoảng 25 hộ gia đình đang duy trì làm nghề bánh dầy… Nhà mẹ tôi cũng làm bánh dầy từ mấy đời nay rồi nên tôi cũng theo nghề này như một cái duyên. Cuộc sống có lúc thuận, lúc gian nan, làng xã có lúc thăng lúc trầm, nhưng gia đình tôi vẫn gìn giữ được nghề và nghề này cũng đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống” – chị Nguyễn Thị Toan chia sẻ.
Từ một món bánh giản dị, nay bánh dầy Quán Gánh đã trở thành một món ăn đặc sản đúng nghĩa, mang nhiều nét văn hóa làng nghề, được nhiều khách thập phương biết đến.
Hữu Hải
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch