Cơ sở sản xuất chân tăm của hộ ông Nguyễn Hữu Long ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu hoạt động hết công suất.
Làng nghề hối hả vào Tết
Vừa bó những bó tăm tròn, đẹp, trăm bó như một, ông Trần Văn Hiến, ở thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), năm nay gần 70 tuổi, chia sẻ, sinh ra từ làng nghề, nên chẳng nhớ là biết làm nghề từ năm bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ từ ngày nhỏ xíu đã biết chẻ tăm, biết phân biệt các loại nứa, vầu, tre…
Khi trưởng thành, với sức thanh niên trai tráng, ông thường lựa chọn những công việc nặng nhọc nhất. Việc bó tăm sau khi phơi khô, mỗi bó 30kg, tưởng dễ mà không dễ. Bó sao cho tròn đều, bê, vác, lăn đều không xộc xệch là cả một nghệ thuật. Khi đã thuần thục, mọi việc đều dễ dàng, ngay cả khi tuổi đã cao…
Còn chủ cơ sở sản xuất tăm hương Nguyễn Hữu Long, ở thôn Cầu Bầu, cho hay, ngày bình thường, lúc nào xưởng cũng có chục lao động, nhưng dịp Tết thì nhân lực tăng gấp đôi.
“Ở đây chẳng phân biệt chủ – thợ, chủ cũng phải xắn tay vào việc, nhất là những ngày áp Tết, chúng tôi làm từ sáng sớm tới tối muộn; mệt thì nghỉ, không có giờ giấc. Làm việc bận rộn nhưng vui và yêu nghề nên quên hết mệt nhọc. Ngày xưa, người ta chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông, nhưng giờ hiện đại hơn, tất cả đều được cho vào máy, chân hương vừa đều, mà năng suất lại cao hơn hẳn”, ông Long vừa nói, vừa thu vội mẻ tăm phơi cuối chiều.
Công việc vất vả này đem đến cho lao động làng nghề nguồn thu nhập khá, người bình thường có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày; người có tay nghề cao, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày.
Cơ sở sản xuất hương Tuấn Phương ở thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu có nhiều sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP “3 sao”.
Hương sắc làm nên thương hiệu
Đi qua những con đường làng chật chội phương tiện vận chuyển hàng hóa ra – vào các làng nghề, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp màu đỏ rực của chân hương; những bó tăm hương nom như “những bó hoa khổng lồ” được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình…, khiến ai đến một lần, nhớ mãi.
Những người làm nghề nơi đây không biết nghề có từ bao giờ, chỉ biết sinh ra đã thấy ông cha làm hương thủ công truyền thống. Những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều rất thành thạo. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, tiếng nói chuyện rì rầm lẫn trong mùi hương ngai ngái của chân hương tạo nên ấn tượng đặc biệt của làng nghề.
Nếu như những xưởng làm chân tăm đem đến vẻ đẹp sắc màu khó cưỡng cho làng nghề thì các cơ sở làm hương lại tạo ra hương để nghề tăm hương của Quảng Phú Cầu nổi tiếng khắp miền Bắc. Cơ sở sản xuất hương thảo dược nổi tiếng trong xã phải nhắc tới là cơ sở Tuấn Phương của gia đình chị Nguyễn Thu Phương, ở thôn Quảng Nguyên.
Chị Nguyễn Thu Phương chia sẻ, sau khi đã phơi khô, chân hương được vận chuyển đến cơ sở để se bột và cho ra thành phẩm cuối cùng. Hương được làm từ trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan, ngải cứu, bồ kết…
Tùy từng loại hương, người làm nghề sẽ lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, năng suất tăng đáng kể. Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn, hương của Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu, đẹp mắt.
Nhiều sản phẩm hương của Quảng Phú Cầu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao.
Điều đáng nói, không chỉ bán hàng theo cách truyền thống cho thương lái như trước kia, các cơ sở của làng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều sản phẩm như hương vòng, hương nén… của địa phương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Theo chị Nguyễn Thu Phương, năm nay, từ cơ sở làm tăm đến làm hương đều cảm thấy khó nắm bắt thị trường Tết Nguyên đán hơn nhiều năm trước. Đến đầu tháng Chạp, vẫn chỉ có các đơn hàng của khách quen; các thương lái hầu như vắng bóng. Cứ ngỡ lượng hàng tiêu thụ chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 mọi năm, nhưng may mắn, sau Rằm tháng Chạp, các đơn hàng tới nhiều, cơ sở lại chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu.
Rời làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu khi chiều đã muộn, nhịp thở của làng nghề vẫn cứ rộn ràng, gấp gáp như Tết đến rất gần… Nhà nhà, người người hối hả với công việc, người yêu nghề, nghề không phụ công người. Có lẽ vì thế mà mỗi năm qua đi, làng nghề lại thêm nhiều cái mới, sản phẩm tốt hơn, độc đáo hơn, nhiều công đoạn trong sản xuất được cải tiến… Đặc biệt, tình yêu với nghề truyền thống của người dân Quảng Phú Cầu theo năm tháng càng thắm đỏ như những “đóa hoa tăm hương”.
Bạch Thanh
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch