“Ồ, òa”… trước di sản kiến trúc
Trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trước đây là Viện Đại học Đông Dương (số 19, đường Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm) được ví như “thánh đường tri thức” của Thủ đô, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Theo thống kê của Ban tổ chức lễ hội, mở cửa từ ngày 9 đến 17-11, nơi đây thu hút gần 8.000 lượt khách tham quan. Nhất là trong 4 ngày cuối tuần (9, 10 và 16, 17-11), đoàn người xếp thành hai hàng dài chờ đợi và giới hạn khoảng 10 phút tham quan mỗi lượt (khoảng 20 người) để được vào chiêm ngưỡng di sản kiến trúc lần đầu mở cửa đón khách.
Đông đảo người dân và du khách tham quan tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Lê Minh
Được xây dựng từ năm 1926, tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thiết kế bởi kiến trúc sư (KTS) người Pháp Ernest Hébrard (1875-1933), vốn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Paris. Quần thể tòa nhà được tổ chức rất khúc chiết, đơn giản, bố cục chặt chẽ, đủ cho khoảng 500 sinh viên cùng học tập. Đại sảnh mặc dù diện tích không thật lớn nhưng với chiều cao thông đến tận mái vòm, các điểm giao tiếp với các chức năng khác rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt các vách kính trang trí vừa lấy ánh sáng, vừa như một tác phẩm nghệ thuật trong xử lý chi tiết, đã tạo nên một không gian khánh tiết đậm chất “thánh đường khoa học”.
Giảng đường lớn (nay mang tên GS Ngụy Như Kon Tum) cũng là một thành công với những giải pháp kinh điển về xử lý độ dốc, điểm nhìn và âm học. Về nội thất có bức tranh tường hoành tráng của Victor Tardieu, mô tả sinh hoạt tại Hà Nội đầu thế kỷ 20 với 200 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội. Trên vòm trần tòa nhà vẫn còn hình ảnh hai con chim phượng hoàng, biểu tượng uy quyền trong văn hóa Á Đông. Khu vực tầng 2 của tòa nhà là Bảo tàng Sinh học, thành lập năm 1926 bởi Rene Leon Bourret-nhà khoa học Pháp chuyên về bò sát, công tác tại Đại học Đông Dương. Từ năm 1956, bảo tàng này trở thành một bộ phận của Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Bảo tàng Sinh học đang lưu trữ hơn 21.000 mẫu vật động vật không xương sống, hơn 6.500 mẫu vật động vật có xương sống và phòng bách thảo. Không ít tiếng xuýt xoa, ồ, òa… phát ra từ nhóm đông các học sinh của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội). Bạn Nguyễn Hải Trí, học sinh lớp 9 hào hứng nói: “Giá như nơi đây mở cửa thường xuyên thì cháu sẽ rủ bạn bè tới để khám phá. Cháu thích nhất là ngắm nhìn những thiết kế vòm cửa, huyền ảo và nhiều màu sắc”.
Tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được KTS Ernest Hébrard thiết kế đã khởi phát trường phái kiến trúc Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội, cùng Nhà thờ Cửa Bắc (năm 1930), tòa nhà trụ sở Sở Tài chính Đông Dương (sau này là trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, hoàn thành năm 1928), đỉnh cao là tòa nhà Viện Viễn Đông Bác cổ (hoàn thành năm 1932, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).
Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại
Được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính nhận định, các di sản văn hóa nói chung và các di tích kiến trúc nói riêng thường là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tạo dựng, nuôi dưỡng, lưu truyền… nên nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại sẽ có vai trò thu hút, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội. Ông kể: “Cách đây hơn một năm, khi tham gia tư vấn cho dự án tu bổ đài phun nước Con Cóc (vườn hoa Diên Hồng), tôi mới nhận ra Hà Nội có một công trình tuy nho nhỏ nhưng lại là một sáng tạo “vô song” về kiến trúc và mỹ thuật. Một đài tưởng niệm mang kiến trúc châu Âu lại có sự kết hợp dấu ấn Á Đông ở phần bệ dưới cho thấy sự gặp gỡ Đông-Tây. Nó lồng ghép chuẩn xác vào không gian uyển chuyển, tinh tế của Hà Nội vốn không có những công trình quá đồ sộ. Song không phải ai ở Hà Nội cũng nhận ra giá trị có một không hai của công trình này”.
Kiến trúc bên trong tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được đánh giá đậm chất “thánh đường” khoa học và nghệ thuật.
Theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính, về lâu dài, các di sản kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội cần được ứng xử đúng tầm mức để trở thành những không gian sáng tạo đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo. “Ở nhiều khu phố trung tâm, các công trình di sản kiến trúc đang thường trong tình trạng đóng cửa, các vườn hoa và ven đường đa số trở thành khu vực đỗ xe. Trong khi khu vực Bờ Hồ đã được UBND quận Hoàn Kiếm khai thác tốt để trở thành phố đi bộ. Thế nhưng, phố đi bộ cũng phát sinh một hệ quả đáng lưu ý, đó là một quãng khá rộng và dài dành cho bãi gửi xe được tạo ra. Các khu vực này đang che lấp đi những vẻ đẹp rất đặc trưng”, KTS Hoàng Đạo Kính trăn trở.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hội đang đồng hành, tham gia cùng UBND TP Hà Nội, các KTS trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình thúc đẩy mối quan hệ giữa di sản văn hóa-kiến trúc với các hoạt động sáng tạo, kết nối liên ngành, góp phần cho sự phát triển Thành phố sáng tạo với bản sắc văn hóa mạnh mẽ. Đó cũng chính là phần nội dung quan trọng được hiện thực hóa trong mỗi mùa tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Nhiều công trình di sản của Hà Nội đã được “đánh thức” thông qua các hoạt động sáng tạo dày đặc, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Châu Xuyên
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch