Hồn quê trong từng lớp lá
Làng Chuông, một làng nghề lâu đời ở Hà Nội, có lịch sử làm nón từ bao đời nay, nhưng không ai biết chính xác nghề này bắt đầu từ năm nào. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, từ thế kỷ thứ 8, làng đã bắt đầu sản xuất nón. Thời ấy, làng còn có tên là Trang Thì Trung và đã nổi tiếng với nghề làm nón, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội.
Nón lá làng Chuông đa dạng kích cỡ, màu sắc và họa tiết trang trí.
Chiếc nón lá – biểu tượng bình dị nhưng sâu sắc của văn hóa Việt Nam, chứa đựng cả hồn quê và sự tài hoa của người thợ. Được hình thành qua hàng trăm năm, làng nghề nón Chuông không chỉ gìn giữ vẻ đẹp hoài cổ mà còn lưu truyền một di sản thủ công quý giá. Từng chiếc nón là kết tinh của sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề, nâng niu từng lá, uốn nắn từng đường kim, tạo nên sản phẩm vừa bền đẹp, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua hơn 3 thế kỷ, đi qua nhiều thăng trầm, những nghệ nhân nơi đây vẫn âm thầm từng ngày để gìn giữ và “nhóm lại” ngọn lửa nghề.
Để nón lá truyền thống không bị “thất truyền”
Trước dòng chảy hiện đại, không phải ai cũng “mặn mà” với những sản phẩm thủ công truyền thống. Nhưng đâu đó vẫn có bóng dáng những con người không quản ngại khó khăn để giữ cho ngọn lửa nghề luôn rực sáng.
Nhà riêng của nghệ nhân Tạ Thu Hương.
Nhờ có tình yêu mãnh liệt với nghề truyền thống do cha ông truyền lại, nghệ nhân Tạ Thu Hương (sinh năm 1968), Chủ tịch HĐQT HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển nghề làm nón. Trước sự thay đổi chóng mặt của thị trường, do thị hiếu người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm công nghiệp, nón lá tưởng chừng như đang mất dần ưu thế. Bằng những kinh nghiệm học hỏi được từ những bậc tiền bối và nhờ những trải nghiệm đúc kết từ khi còn tấm bé, bà Hương đã mạnh dạn bước khỏi vùng an toàn, tự tìm thị trường và mở ra hướng đi mới cho nón lá làng Chuông.
Đa dạng các mẫu nón lá từ truyền thống đến hiện đại.
Hiện nay, tại ngôi nhà riêng của bà đã bài trí công phu với nhiều chiếc nón lá từ nhỏ tới trung, có cả những chiếc khổng lồ khiến du khách thích thú khi tới tham quan. Từ lúc thành lập tới nay, sản phẩm của HTX ngày một hoàn thiện, không chỉ mang vẻ đơn sơ, mộc mạc mà còn là nơi để nghệ nhân trổ tài thẩm mĩ. Đối với nghệ nhân Tạ Thu Hương, mỗi chiếc nón chứa đựng cả lịch sử, văn hóa của non sông, công sức và cả chất xám của những người thợ lành nghề.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương tại nhà riêng.
Đằng sau những thành công đã đạt được, nghệ nhân làng Chuông nói chung và bà Tạ Thu Hương nói riêng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để nghề làm nón không bị “thất truyền”. “Nghề này tôi được truyền từ cha ông, tôi là đời thứ 3 gìn giữ nó. Từ bé đã tận mắt nhìn người lớn đặt khung, khâu nón, cái nghề nó ngấm vào trong máu rồi. Mong mỏi lớn nhất của tôi là nghề này được lưu truyền, để nó tồn tại mãi”, nghệ nhân Tạ Thu Hương bày tỏ.
Cô Oanh, nghệ nhân làm nón tại gian trưng bày của bà Tạ Thu Hương.
Ấp ủ khát vọng quảng bá hình ảnh chiếc nón lá tới bạn bè trong nước và quốc tế, bà đã mở thêm gian hàng trong chợ để du khách có thể tham quan và trực tiếp trải nghiệm làm những chiếc nón cho riêng mình. Nghệ nhân Tạ Thu Hương có 4 người con, nhưng chỉ duy nhất người con út đang có định hướng nối nghiệp mẹ.
Kiếm chẳng đáng là bao nhưng không thể bỏ được…
Trong gian nhà gỗ 3 gian của bà Phạm Thị Khuyến (sinh năm 1947), chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và chia sẻ với bà về nỗi trăn trở giữ nghề cho làng. Như được biết, hiện con cái của bà không còn ai làm nón, tất cả đều lên thành phố để theo đuổi đam mê riêng và tự lập nghiệp. Bà tâm sự: “Nghề này kiếm không được bao nhiêu, là nghề truyền thống nên có trách nhiệm giữ gìn. Cả ngày chỉ tỉ mẩn được 1, 2 chiếc tranh thủ thời gian nhàn rỗi. Mỗi chiếc tôi lãi 30.000 đồng. Già cả rồi, tay chân chậm chạp không vào xưởng làm được nên tự nhập hàng về làm thôi”.
Bà Phạm Thị Khuyến tự làm nón tại ngôi nhà của mình.
Bà Khuyến cho biết thêm, lá cọ bà phải nhập từ trên rừng, về phải phơi, vò rồi là cho phẳng. Mất nhiều công sức, lá phải giữ cho cẩn thận, phải bọc kín cho lá trắng, để hở lá bị đỏ rất dễ hỏng.
Nhịp sống hối hả, con người ta sống vội vã với cơm, áo, gạo, tiền mà đôi khi lãng quên đi những giá trị truyền thống. Thời đại 4.0 cung cấp cho ta đầy đủ tiện nghi, song cũng làm mất dần đi những làng nghề truyền thống. Làng nón Chuông là một trong những làng nghề vẫn được để ý và thu hút đông đảo sự quan tâm và những hậu duệ của làng vẫn đang gánh trên vai trách nhiệm “bảo tồn”.
Bên cạnh hy vọng làng nón sẽ vươn xa và thu hút nhiều hơn sự chú ý, trên vai người nghệ nhân làng Chuông vẫn âm ỉ những nỗi lo về sự mai một. Phải cần rất nhiều sự kiên trì, tình yêu và lòng nhiệt thành để thế hệ trẻ tiếp bước, gìn giữ ngọn lửa mà cha ông đã vun vén và nhóm lên.
Bài, ảnh: Thanh Thảo
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch