Thực hiện một công đoạn làm nhà gỗ ở thôn Phù Yên, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Kim Thoa
Nghề truyền thống có “đất” phát huy
Nếp nhà gỗ gắn bó lâu đời với cư dân Đồng bằng Bắc Bộ. Các mẫu nhà gỗ thường được thiết kế theo cấu trúc 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, kết cấu cột kèo vững chãi, trang trí nhiều hoa văn và lợp mái ngói nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Nói về nghề dựng nhà gỗ, ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên chia sẻ: “Đây là nghề cha truyền con nối ở quê tôi. Nhiều năm trước, ở nhiều miền quê, nếp nhà gỗ cổ truyền của người dân Đồng bằng Bắc Bộ dần vắng bóng, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép. Gần đây, nhiều gia đình tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác lại muốn xây dựng nhà gỗ bởi nét đẹp tự nhiên và thân thiện với môi trường… Từ đó, hàng trăm hộ dân trong làng lại có điều kiện phát huy nghề truyền thống”.
Làng Phù Yên có nhiều gia đình nổi tiếng với nghề dựng nhà gỗ như gia đình ông Nguyễn Chí Mười, Nguyễn Chí Quân, Nguyễn Chí Điền, Nguyễn Trọng Cẩm… Ông Nguyễn Chí Điền cho biết: “Mỗi ngôi nhà gỗ truyền thống tùy thuộc vào độ chạm khắc tinh xảo và chất liệu gỗ… có giá thành khác nhau, từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Các loại gỗ được ưa chuộng để dựng nhà gỗ có: Đinh, lim, sến, táu, mít, xoan… Trong đó, gỗ xoan là phổ biến bởi có giá thành thấp hơn các loại gỗ khác và độ bền cao. Để dựng được một nếp nhà gỗ thông thường phải làm trong 6 tháng với hơn 10 thợ đục chuyên nghiệp”.
Đặc trưng của nhà gỗ truyền thống là mọi chi tiết được thiết kế hoàn hảo, tinh tế và hầu như không phải dùng đến các loại đinh vít bằng sắt mà chủ yếu dùng mộng để lắp ghép. Do đó, người làm nhà gỗ truyền thống phải nắm bắt được kỹ thuật đục, đẽo để các mộng kín khít vào nhau. Ngoài ra có rất nhiều họa tiết trong ngôi nhà gỗ được chạm khắc cầu kỳ hình linh vật, cành lá cách điệu hoặc các hình hoa văn đối xứng…, đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo, sáng tạo mà phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa của dân tộc”, ông Nguyễn Chí Quân – người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề mộc truyền thống của làng Phù Yên nói.
Để làng nghề phát triển…
Năm 2016, thôn Phù Yên đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”. Thời điểm hiện tại, thôn có 800 hộ dân thì có gần 400 hộ làm nghề mộc với gần 600 lao động. Riêng với nghề dựng nhà gỗ truyền thống, ông Nguyễn Chí Tài, Chủ tịch Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên cho biết: “Hiện toàn thôn có gần 50 tổ thợ chuyên đi dựng nhà truyền thống ở Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổ nhỏ nhất có 5 đến 7 thợ, tổ lớn có tới 30-40 thợ. Nghề phát triển, người làng có thu nhập ngày một khấm khá. Một thợ dựng nhà gỗ ở Phù Yên có thu nhập thấp nhất cũng là 6 triệu đồng/tháng. Với thợ có tay nghề cao, hay các “đầu cánh”, thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Việc thôn Phù Yên được công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống” đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển nghề mộc nơi đây”.
Cùng với những lớp nghệ nhân, thợ giỏi lớn tuổi, ở Phù Yên có nhiều thợ trẻ tay nghề cao với khả năng tiếp thu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên vừa gìn giữ, vừa phát huy được nghề truyền thống của cha ông. Điển hình như anh Nguyễn Chí Thông (con trai ông Nguyễn Chí Tài) đã thành lập doanh nghiệp thực hiện nhiều công trình xây dựng nhà gỗ truyền thống với máy móc, thiết bị hiện đại để rút ngắn thời gian thi công.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên Bùi Văn Tùng sự phát triển nghề mộc, trong đó có nghề dựng nhà truyền thống của Phù Yên, đang ngày càng lan tỏa được cái hay, cái đẹp của làng nghề, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Bùi Văn Tùng cũng cho hay, để làng nghề ngày càng phát triển chính quyền cũng sẽ phối hợp với Hội Làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề mộc, kỹ thuật dựng nhà truyền thống miễn phí cho người lao động. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Sắp tới, chính quyền xã Trường Yên cũng sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất lựa chọn sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố… Đồng thời, có các hình thức tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội về nghề dựng nhà truyền thống nhằm đưa danh tiếng làng nghề vươn xa, cũng như tuyên truyền ngay tại địa phương để các thế hệ thêm tự hào về nghề truyền thống của quê hương.
Chính quyền ở Trường Yên cùng người dân làng nghề Phù Yên đang nỗ lực giữ gìn, phát triển nghề dựng nhà truyền thống. Qua đó góp phần bảo tồn không gian văn hóa trong kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Việt.
Nguyễn Mai
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch