Thành viên HTX thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô được khôi phục từ năm 2013 thông qua việc thành lập HTX. Ban đầu HTX có 16 thành viên, sau gần 9 năm hoạt động số thành viên tăng lên 24 thành viên. Đây là nơi để các chị em chia sẻ, trao truyền và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Lùng Thị Minh, Giám đốc HTX chia sẻ: “Phụ nữ Lô Lô không dùng khung mà chỉ cầm miếng vải để thêu, các đường kim mũi chỉ được xử lý rất khéo léo và tinh tế. Sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, như thổ cẩm, đồ trang sức, trang phục… Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, hàng tháng các thành viên trong HTX đều có thu nhập trên 2 triệu đồng từ nghề thêu các sản phẩm”.
Đối với người Lô Lô, hoa văn trang trí trên sản phẩm được xếp đặt rất sáng tạo, chỉ bằng mảnh vải nhỏ hình tam giác, hình mặt trời, hình hoa đào hoặc hoa Thảo quả được ghép với nhau là có thể tạo ra những hình thể mới đa dạng… Cùng các họa tiết ở trang phục thì khăn quấn đầu cũng được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ. Từ những tấm vải chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ nơi đây còn trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài. Không chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc mà nghề thêu thổ cẩm còn đem lại thu nhập cho người dân. Hiện tại, HTX cung cấp khoảng 40 sản phẩm ra ngoài thị trường như quần áo, túi xách, gối, khăn trải bàn, khăn quấn đầu, mũ, bờm tóc, lơ tóc… đem lại doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu đồng.
Chị Lan Anh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi thấy mỗi loại hoa văn, họa tiết trên các sản phẩm thêu của các cô người Lô Lô đều mang những đặc trưng rất độc đáo, riêng biệt, không những sắc nét mà còn rực rỡ, mềm mại và rất bắt mắt”.
Đồng chí Vàng Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc, cho biết: “Sau một thời gian hoạt động đến nay, các sản phẩm của HTX thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Lô Lô được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước rất yêu thích. Sản phẩm sau khi hoàn thiện được mang đến các điểm du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh, hoặc các hội chợ thương mại để trưng bày, giới thiệu và quảng bá. Hiện tại, UBND thị trấn Mèo Vạc đang xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các thôn, bản, những nơi có nhóm thêu truyền thống tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Hỗ trợ đem sản phẩm tham gia tại các hội chợ triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường. Đồng thời tiếp tục phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa của người Lô Lô.
Giờ đây, du khách đến Mèo Vạc ngoài việc được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ còn có cơ hội được tìm hiểu nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Lô Lô, trải nghiệm một số công đoạn trong quá trình thêu thổ cẩm. Với hướng đi mới trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra các sản phẩm đẹp có giá trị cao phục vụ khách du lịch, mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH ở địa phương.
Bài, ảnh: Minh Huệ (Mèo Vạc)
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch