Gốm Chu Đậu hiện đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã và đang phục hưng lại làng nghề, vùng nghề gốm cổ Chu Đậu với mong muốn làm hồi sinh, làm sống lại tầm cao của gốm Chu Đậu, “một dòng gốm đẹp của Việt Nam và quốc tế”, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo quý khách trong và ngoài nước. Trong những năm tháng chiến tranh nên nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Đến năm 2001, gốm cổ Chu Đậu được nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó, làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh và phát triển như hiện nay.
Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt. Đặc biệt, hoa văn trên gốm Chu Đậu được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Men gốm Chu Đậu được làm từ vỏ trấu, đa phần là men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, tam thái.
Gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. Trong đó nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Ngoài ra, những sản phẩm khác như: bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu.
Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân ở Chu Đậu đã bắt đầu chú trọng phát triển du lịch làng nghề với nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách như: xây dựng các gian trưng bày rộng hàng nghìn m2 để giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu gốm cổ hay không gian vườn gốm thư pháp, nhà thờ Tổ gốm… Đến với Chu Đậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên thanh bình, yên ả của làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng mà còn có dịp tìm hiểu nghệ thuật làm gốm cổ xưa, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất, tạo dáng, vẽ, viết chữ, ký tên lên sản phẩm để làm kỷ niệm./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch