Để có một bình nước mơ ngon thoạt trông thì đơn giản, nhưng thực ra lại rất kỳ công, đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ.
Đầu tiên là khâu chọn mơ. Nên chọn mơ chuẩn giống Hương Tích của vùng núi đá vôi Hương Sơn (Mỹ Đức). Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt mà mơ nơi đây nổi tiếng thơm ngon, đậm đà. Giá mơ Hương Tích luôn cao gấp 3 lần so với mơ nơi khác, nhưng giới sành ăn Hà Thành vẫn “xếp hàng” đặt mua.
Mơ Hương Tích ra hoa vào tháng 12. Đến tháng 4 mơ chín. Phải chọn đúng độ trái mơ (bên ngoài vàng ươm nhưng thịt vẫn cứng) thì khi ngâm mới cho thành phẩm vàng ươm đẹp mắt, vị chua thanh và rất thơm ngon. Nếu chọn mơ xanh thì nhiều vị chua, đắng và màu sắc không hấp dẫn.
Mua mơ về rửa sạch, dùng tăm gảy núm mơ rồi tráng nước muối nhạt. Chú ý không làm dập xước quả mơ, vì muối sẽ bị lên váng. Để mơ thật ráo mới cho vào lọ. Nguyên do là lớp lông vỏ mơ giữ nước, những bụi nước nhỏ li ti này sẽ làm bình mơ ngâm không giữ được lâu. Cứ một lớp mơ đổ một lớp đường theo tỷ lệ 1kg mơ với 1kg đường Hoa Mai (đường vàng). Đừng xếp quá đầy, chỉ 8/10 lọ vì nước mơ sẽ tiết ra nhiều. Lớp cuối cùng có thể cho thêm một lạng muối tinh. Phải nút lọ thật kín rồi để vào chỗ mát.
Mơ ngâm trong vòng một năm là chín, nhưng vẫn chua. Những lọ mơ ngon phải ngâm 2 năm trở lên, nước mơ giọt vàng đậm như mật thơm ngát, có vị đắng hậu và giải khát ở đẳng cấp thượng đỉnh. Thông thường, các bà nội trợ năm nào đến mùa mơ cũng ngâm, nhưng lại lấy một lọ cũ ra dùng. Vì thế lọ nào cũng phải ghi ngày tháng kẻo nhầm.
Khi cái nóng hè gay gắt đến thì đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình. Pha nước cốt mơ với nước lọc đá, dầm nát quả mơ. Nếu thích thêm vài giọt chanh là sẽ có 1 ly nước mát lịm ngon quên sầu. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa mùi hương và vị giác giúp đập tan nắng nóng. Nước mơ có tác dụng an thần, thanh nhiệt; rượu mơ kích thích tiêu hóa, chữa các bệnh về hô hấp như ho, khó thở, tiêu đờm.
Thu Hằng – Ảnh: Hoàng Điệp
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch