Nghề đan đó Thủ Sỹ
Tìm về xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, du khách sẽ có dịp hòa vào không gian thanh bình nơi làng quê Bắc Bộ xưa. Đây cũng là địa điểm nổi tiếng với nghề đan đó truyền thống hơn 200 năm tuổi.
Khung cảnh thanh bình tại làng đan đó Thủ Sỹ. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Đó là dụng cụ đánh bắt cá, tôm gắn liền với đời sống của nông dân Việt Nam từ xa xưa. Chẳng ai biết nghề đan đó ở Thủ Sỹ hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng biết đến nghề. Xã Thủ Sỹ hiện có khoảng hơn 500 người làm nghề đan đó, tập trung nhiều ở thôn Tất Viên và Nội Lăng.
Nghề làm tương Bần Yên Nhân
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đến 30 km, thị trấn Bần Yên Nhân nằm ngay sát quốc lộ 5, trên tuyến đường kết nối Hà Nội – Hải Phòng. Khi đặt chân đến đây, du khách không chỉ ấn tượng bởi những chum sành đựng tương xếp thẳng hàng, mà còn bởi mùi hương nồng nàn khắp không gian.
Nguyên liệu chính của tương Bần là đỗ tương được trồng trên đất Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Làng nghề tương bần ở thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã tồn tại hàng trăm năm. Từ xa xưa, tương bần được xem là sản vật dùng để “tiến vua”. Ngày nay, loại tương này vẫn nổi tiếng khắp cả nước và trở thành loại nước chấm được nhiều người yêu thích.
Nghề mành trúc Đa Quang
Thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã gắn bó với nghề làm mành trúc truyền thống suốt hàng trăm năm qua. Dù trải qua nhiều thăng trầm, địa phương vẫn duy trì và phát triển nghề làm mành, giữ bản sắc văn hóa đặc trưng.
Ảnh: Bảo Ân
Mành tre Đa Quang không chỉ là sản phẩm truyền thống mà còn là giải pháp lý tưởng cho không gian sống và kinh doanh. Chúng thường được treo dưới hiên nhà, tiền sảnh, và cửa các quán ăn, không chỉ giúp che nắng, ngăn mưa hắt, bụi bẩn… mà còn tạo ra một không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.
Nghề làm hương Cao Thôn
Cách Hà Nội khoảng 40km, làng hương Cao Thôn, thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, nổi bật là một trong những làng nghề sản xuất hương lớn ở miền Bắc. Được coi là cái nôi của nghề làm hương truyền thống, hương Cao Thôn có lịch sử phát triển hàng trăm năm nhờ vào “bí quyết gia truyền” đặc sắc.
Ảnh: Bảo Ân
Hương thôn Cao được biết đến với hương thơm nhẹ nhàng, mang lại cảm giác dễ chịu và lưu giữ lâu hơn so với các loại hương khác.
Làng nghề mộc Thụy Lân
Thôn Thuỵ Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ hiện có khoảng 200 hộ làm nghề mộc. Sản phẩm chính của làng nghề Thuỵ Lân là đồ gỗ mỹ nghệ và gỗ gia dụng, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Năm 2008, làng nghề này được tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề mộc mỹ nghệ.
Ảnh: Bảo Ân
Theo người dân địa phương, nghề mộc bắt đầu từ việc sản xuất nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu trong vùng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây, lớp trẻ đã sáng tạo và đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm.
Đăng Huy
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch