Để làm được một cái bánh chưng thật thơm ngon thì phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu làm bánh, chế biến bánh, đó là gạo nếp của núi rừng Định Hóa, đỗ xanh quê vỏ mỏng lòng vàng đều hạt, thịt ba chỉ tươi ngon, săn chắc và dưới bàn tay của người dân Sơn Cẩm, Cổ Lũng bánh chưng Bờ Đậu lại có một hương vị đặc biệt không thể lẫn với nơi nào.<!—->
Lá dong để gói bánh là thứ lá xanh mướt, bản rộng và được lấy từ rừng Na Rì, chợ Đồn, Bắc Kạn về sau đó rửa sạch cả hai mặt, để ráo nước, dùng khăn sạch lau khô, tước bớt cuống lá, cắt bớt ngọn lá và phần cuống lá. Lạt buộc bánh phải là thứ lạt chẻ bằng giang. Đặc biệt và quan trọng là công đoạn luộc bánh, phải luộc khoảng 10-12 giờ, giữ lửa đều, nước sôi liên tục và thường xuyên chế thêm nước để đảm bảo nước luôn ngập bánh. Khi bánh chín lá vẫn mang màu xanh tươi, chiếc bánh chắc, vuông vắn đẹp mắt.
Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam Bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Khi thưởng thức miếng bánh chưng Bờ Đậu, du khách sẽ cảm nhận được vị dẻo thơm của nếp hòa cùng vị béo ngậy của thịt pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời hòa quyện vào bánh. Chỉ thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi và cũng quên ngay cái vị ngán bởi gạo nếp.
Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp tấp nập nhất là vào những ngày giáp tết Nguyên Đán. Đó như là một đặc sản mà chỉ vùng Bờ Đậu mới có thể làm nên những chiếc bánh hoàn hảo, vuông tròn sắc cạnh với hương thơm đậm đà, tinh khiết làm ấm lòng du khách gần xa./.
Lê Hoa
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch