Bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: Lê Ngọc
Tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp của các họa tiết thổ cẩm khi lạc bước vào chợ phiên Y Tý (Hà Giang). Ở đó, mọi người đều mặc trang phục dân tộc. Khu chợ bừng lên những sắc màu rực rỡ trên nền xám trắng của mưa và làn sương dày đặc.
Những chiếc lưng bên khung dệt
Mãi sau một hồi quan sát, tôi dần phân biệt được trang phục của từng dân tộc. Bộ đồ truyền thống người H’mông nhiều họa tiết sặc sỡ, trang phục của người Dao Đỏ cũng nổi bật không kém với hai tông màu đỏ và đen. Trang phục của người Hà Nhì lại như những nét cọ trầm mặc trên bức tranh đầy màu sắc với màu xanh dương sẫm và đen.
Về Sa Pa, gặp một bà cụ người Dao ngồi ở góc đường đang may họa tiết lên những tấm vải vuông vức, tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về các loại hoa văn của các dân tộc nơi đây. Ở tầng hai của chợ Sa Pa – nơi tập trung nhóm người H’mông, người Dao Đỏ bày bán các sản phẩm thổ cẩm tự tay làm nên.
Nhắc đến thổ cẩm, mọi người đều nghĩ đến Sapa với góc chợ nhỏ và hình ảnh những phụ nữ địu con trên lưng hay những đứa trẻ nối nhau dập dìu trên phố mời chào du khách mua sản phẩm thổ cẩm.
Hà Giang còn có Hợp tác xã Lùng Tám – nơi tập hợp phụ nữ H’mông cùng giữ gìn, phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống. Ở đây có rất nhiều hoa văn thổ cẩm được thiết kế theo phong cách hiện đại, sáng tạo, mang tính ứng dụng cao.
Những câu chuyện đời sống trong trang phục truyền thống. Ảnh: Lê Trọng Khang
Quy trình dệt vải lanh thủ công trải qua 41 bước, bao gồm: gieo hạt, thu hoạch cây lanh, bóc tách sợi, xe lanh, nối sợi, quay guồng, dệt vải, giặt, phơi… đòi hỏi thời gian, nhiều công sức.
Những chiếc máy dệt thô sơ hiện lên dưới ánh nắng chiều trông đẹp như một thước phim điện ảnh. Có lẽ, nghệ thuật cố gắng đến mấy cũng chỉ để phản ánh chân thật nhất vẻ đẹp của những điều giản dị đời thường mà thôi. Rất may, tôi được tận mắt chứng kiến những người thợ cặm cụi bên khung cửi mà không cần mua chiếc vé xem phim nào.
Làng Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam. Làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tồn tại hơn 4 thế kỷ của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận.
Làng Hà Ri (xã Vịnh Hiệp huyện Vĩnh Thạnh) là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Bana, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Rất nhiều dấu chấm nhỏ trên bản đồ thổ cẩm Việt Nam, được giữ qua lớp lớp thời gian bởi những tấm lưng mỏng tang của người phụ nữ Việt.
Nối dài đời sống thổ cẩm
Thổ cẩm được rất nhiều nhà thiết kế Việt Nam sử dụng trong các thiết kế trang phục, tạo nên những nét riêng độc đáo. Một cái tên nổi bật phải kể đến là nhà thiết kế Minh Hạnh. Chị đã đem đến Paris, kinh đô thời trang của thế giới, bộ sưu tập có tên “Hơi thở từ núi rừng Việt Nam” gồm các mẫu thiết kế áo dài và trang phục đương đại trên nền chất liệu thổ cẩm của hai dân tộc Mông và Cơ Tu.
Nối dài đời sống rực rỡ của thổ cẩm qua thời trang hiện đại. Ảnh: AVANA
Còn có bộ sưu tập thời trang “Tơ hồng” của nhà thiết kế Thủy Nguyễn từng nhận được nhiều sự quan tâm với các bộ trang phục lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian của dân tộc Thái. Chất liệu chính dùng cho bộ sưu tập này là gấm, thổ cẩm, ren, satin… được kết hợp một cách khéo léo.
Gần đây, bộ sưu tập Soul of Ethnic được nhà thiết kế Trần Thiện Khánh lấy cảm hứng từ những họa tiết trên chất liệu thổ cẩm của người H’mông đã được trình làng tại Fashion Art Toronto – thuộc khuôn khổ Toronto Fashion Week ở Canada.
Mỗi nhà thiết kế dưới góc nhìn nghệ thuật riêng đã cho ra đời những tác phẩm thời trang đặc sắc. Trên thế giới cũng có nhiều nhà thiết kế ưa chuộng thổ cẩm trong các sáng tạo của họ.
Câu chuyện của Aldegonde Van Alsenoy – nhà thiết kế người Bỉ đang sống và làm việc ở miền Trung Việt Nam với thương hiệu AVANA là một điển hình của câu chuyện theo đuổi mô hình “thời trang chậm”. Trái ngược với ngành công nghiệp “thời trang nhanh”, AVANA có các mẫu trang phục sáng tạo được làm thủ công từ thổ cẩm. Mỗi mẫu là duy nhất.
Có một người Mỹ sáng lập thương hiệu Ethnotek – chuyên bán các sản phẩm túi du lịch với thiết kế giản lược, tập trung vào công năng nhưng có điểm chấm phá riêng chính là những tấm vải hoa văn thổ cẩm. Jake Orake – người đàn ông Mỹ từng lang thang khắp Việt Nam, đem lòng cảm mến thổ cẩm của người dân tộc thiểu số nên đã nảy ra ý tưởng kinh doanh sản phẩm từ vải thổ cẩm.
Qua Ethnotek, chúng tôi biết đến tổ chức phi lợi nhuận Tip Me (tip-me.org) do chị Helen Deacon người Đức sáng lập. Tổ chức này nhằm kết nối các thợ thủ công ở nhiều nước trên thế giới với người tiêu dùng vào mục đích lan tỏa lòng biết ơn.
Tip Me giúp cho các gia đình của những thợ thủ công có thể gây quỹ để sửa xe máy, trả học phí cho con cái hoặc mua thức ăn cho gia đình… Các công ty như Ethnotek có thể gửi số tiền trích ra được từ việc bán sản phẩm để hỗ trợ kinh phí vận hành cho tổ chức Tip Me và người tiêu dùng có thể gửi tặng tiền trực tiếp cho những người thợ thủ công mà họ quan tâm và muốn giúp đỡ.
Nếu ví von ngành dệt may thổ cẩm truyền thống là một cô gái thì hẳn cô gái ấy vẫn đang sống đời rực rỡ, dù trải qua bao nhiêu quãng thăng trầm. Tin rằng, ngày sẽ càng có nhiều hơn những người “vì yêu mà hết lòng” với cô ấy…
Lê Ngọc
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch