Nghe đến tên cà phê mắm, nhiều du khách tỏ ra e ngại. Có người chưa hiểu rõ cách pha chế đã tò mò: “Vậy là đổ nước mắm vô ly cà phê chăng? Có hại cho sức khỏe không?”
Nước mắm Nam Ô được cô đặc thành dạng bột như hạt muối.
Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ chính nơi ra đời của món đồ uống này, cũng là quê hương của đặc sản nước mắm Nam Ô trứ danh – làng chài biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Ở làng chài 700 năm tuổi này, nước mắm là một phần của hồn cốt văn hóa – ẩm thực, đi vào câu ca xưa “nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”. Nghề làm nước mắm tiến vua nơi đây đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người nảy ra ý tưởng cà phê mắm là anh Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ. Vừa pha cà phê, anh vừa giải thích: “Tôi từng thấy người ta làm kem từ nước mắm nên cũng muốn thử làm cà phê. Nếu mình có thể làm cà phê mắm giống như cách người ta làm cà phê muối thì sao? Tôi nhận ra vị mặn của mắm cô đặc và vị chua chát của cà phê có thể được cân bằng để tạo nên hương vị đặc biệt”.
Những hạt mắm cô đặc được cho vào cà phê có phủ lớp kem foam.
Theo anh Phú, cà phê mắm thực chất là sử dụng nước mắm cô đặc thành dạng bột, dạng hạt như hạt muối, sau đó cho 1 hạt nhỏ vừa đủ vào lớp kem foam phủ trên mặt ly cà phê rồi đánh đều lên, chứ không phải đổ trực tiếp nước mắm vào cà phê như mọi người nghĩ. Nhìn bề ngoài thì cà phê mắm cũng y hệt cà phê muối trên thị trường nhưng có hương vị mặn mòi dịu nhẹ của biển chứ tuyệt nhiên không tanh.
Trong thời tiết lạnh, khách uống cà phê mắm vào sẽ ấm bụng. Điều này bắt nguồn từ thói quen cô đặc mắm nhĩ thành dạng bột, dạng hạt muối mà anh biết từ thời xa xưa. Khi đó, ngư dân đi biển cũng uống nước mắm hoặc ăn hạt mắm để chống lạnh, người đau ốm dùng hạt mắm bỏ vào cháo trắng ăn kèm để chóng khỏi…
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thưởng thức cà phê mắm tại một sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP của quận Liên Chiểu.
Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu khẩu vị mọi người, anh Phú và những người đồng hành tạo ra được ly cà phê mắm hoàn chỉnh. Món đồ uống sau đó được các bạn trẻ, tiktoker đến “review”, được giới thiệu tại các sự kiện sinh hoạt cộng đồng của làng biển Nam Ô, các hội thảo, chương trình về làng nghề, về văn hóa và mới đây nhất là Ngày hội Di sản văn hóa Đà Nẵng 2023 diễn ra ở Bảo tàng Đà Nẵng.
“Ở các sự kiện, rất khó để mời du khách thử trực tiếp hương vị nước mắm đậm đà nhưng nếu là một ly cà phê từ nước mắm thì hợp lý hơn”, anh Phú cho biết. Sắp tới, anh và các cộng sự đang nỗ lực tìm hiểu công nghệ chế biến và đóng gói nước mắm cô đặc dạng bột và xây dựng cà phê mắm thành sản phẩm mới đạt chất lượng tiêu chuẩn và có pháp lý từ cơ quan chức năng. Khi những dự định này hoàn thành, sản phẩm này sẽ có dịp theo chân du khách gần xa đến mọi miền.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên, công tác bảo tồn và phát triển nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm sâu sắc và đây cũng kà một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Liên Chiểu trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
“Tôi mong muốn phát triển sản phẩm “cà phê mắm Đà Nẵng” để giới thiệu với du khách. Để họ biết được rằng ở Nam Ô quê mình không chỉ có nước mắm mà còn có một thức uống độc đáo khó quên”, anh Phú chia sẻ. Trong tương lai gần, anh không giấu mong muốn có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và quảng bá với du khách về giá trị đặc trưng của nước mắm Nam Ô. Đó có thể là một không gian bài bản để du khách về trải nghiệm, tìm hiểu nghề làm nước mắm và thưởng thức cà phê mắm, chụp ảnh… Ở đó, mỗi du khách sẽ được nghe, được kể, được thấu hiểu bản sắc văn hóa – lịch sử của vùng đất có lịch sử 700 năm dưới chân đèo Hải Vân.
M.L
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch