Nhái thường sống ở các ao, đầm… da nhái trùng với màu da của đất nên rất khó phát hiện. Ở quê, người dân thường đi bắt nhái vào buổi tối, nhất là sau những cơn mưa chiều. Một tay cầm đèn pin, lưng đeo túi lưới, đi dọc theo các con suối, lạch… nghe ở đâu có tiếng nhái kêu “ì oạp”, thì rọi đèn pin vào. Tụi nhái thường “trơ mắt ếch” ra nhìn và người đi săn chỉ việc tóm bắt cho vào oai (rọ miệng hẹp). Làm thịt nhái khá đơn giản: dùng dao nhọn, cắt bỏ đầu, lột nhẹ lớp da, bỏ ruột, chỉ giữ lại phần thịt, rửa thật sạch và để ráo nước. Tùy theo món ăn, nhái có thể để nguyên con, vằm nhỏ, xay nhuyễn vo viên như thịt bò hoặc sấy khô để nướng như khô mực. Các phụ gia dùng để biến thịt nhái cũng phong phú như chế biến thịt ếch: tiêu, hành, ớt, tỏi, nước mắm… Đặc biệt, ở Huế có món “độc” là nhái chiên bơ, người địa phương đặt tên rất “kiếm hiệp” là phi tiễn, vì con nhái nằm duỗi thẳng cẳng như cái mũi tên.
Các bà nội trợ chế biến như sau : nhái sau khi mổ, làm sạch, loại bỏ hết da và nội tạng, đem ướp muối và gia vị cho thấm. Sau đó lăn nhái với dịch bột mì hay bột năng tạo thành “lớp áo” cho con nhái đẹp mắt, thơm tho hơn. Cho những “phi tiễn” sống này vào chảo dầu có ít bơ, trộn đều tay cho đến khi lớp bột chuyển sang màu vàng rơm, bốc mùi thơm là được.
Món phi tiễn, nhái chiên giòn, này ăn với sốt mayonaise, tương ớt và một ít dưa rau kèm, dưa leo xắt miếng, lá chanh thái sợi, rau thơm, hành tỏi sống bóc vỏ. Thịt ếch nhái có nhiều chất dinh dưỡng, theo. Thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam, trong 100g thịt ếch nhái có: 75g nước, 20g chất đạm, 1,1g chất béo, 3,9g tro, 22mg canxi, 159mg photpho, 1,3mg sắt, 0,04mg vitamin B1, 0,22mg vitamin B12, 2,1mg vitamin PP…và cung cấp cho cơ thể khoảng 92kcal năng lượng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch