Ngày xưa các phương tiện trang trí nhà cửa chưa phong phú như bây giờ nên mỗi khi có đám tiệc hay lễ tết người ta thường bày ra nghệ thuật chưng kết để làm đẹp cho ngôi nhà và tiệc lễ. Tác phẩm chưng kết này thường được đặt trang trọng trên bàn nghi ở trước bàn thờ, ngay giữa nhà trên, nên loại hình nghệ thuật này còn được gọi là chưng nghi.
<!—->
Trong trường hợp trên bàn nghi có một bình hoa và một dĩa trái cây thì phải bố trí theo nguyên tắc “đông bình tây quả”: bên phải của người đứng đối diện bàn nghi là bình hoa, bên trái là dĩa trái cây. Dĩa trái cây có thể được đặt trực tiếp trên bàn nghi hoặc đặt trên chò bằng gỗ có 3 chân và đây chính là trung tâm điểm của tác phẩm chưng kết.
Tác phẩm chưng kết thường sử dụng các nguyên liệu cây trái miệt vườn tạo thành hình rồng phụng, núi giả, tùng lộc,… theo các mô-típ truyền thống như tứ linh, tứ quý, tứ thú, tam đa,… Đặc biệt là việc tái hiện các điển tích Nho giáo. Hiện nay, đề tài chưng kết còn là những sự kiện lịch sử đương đại.
Các nghệ nhân, bằng trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo, từ các sản vật tự nhiên rất dồi dào và đa dạng của địa phương (hoa, trái) đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật rất công phu và bắt mắt. Trong dịp lễ hội trái cây lần thứ nhất được tổ chức tại TP. Mỹ Tho, Tiền Giang (tháng 4/2010), các nghệ nhân chưng kết ở Tiền Giang đã sáng tạo tác phẩm chưng kết “Tứ linh Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, cao 4m, rộng 10m, đạt kỷ lục Việt Nam.
Ngoài ra, nghệ thuật chưng kết còn được thấy trong các dịp đám cưới, đám hỏi, ở Tiền Giang và Nam bộ nói chung. Ngày trước, các đám cưới, đám hỏi rất phổ biến việc trang trí cho cổng trại và hàng rào trại bằng các loại cây trái quanh nhà như:
– Dùng hoa đính xung quanh tấm biển đề Tân hôn, Vu quy hay Đính hôn, Đăng khoa,…
– Dùng thân hai cây đủng đỉnh (để nguyên ngọn và lá) để làm hai cây cổng trại, phía trước kết hình hoa lá đủ loại nhiều màu sặc sỡ.
– Bên dưới tấm biển trại là bức rèm làm bằng hạt đủng đỉnh xâu chuỗi lại.
– Xung quanh trại là hàng rào trại làm bằng các tàu lá dừa còn xanh, cắt các cọng lá ngắn lại (còn chừng 10cm) rồi tét tàu lá làm hai theo chiều dọc từ phía đuôi của nó, phần đầu tàu lá để nguyên rồi ngoặt hai mảnh của phần ngọn tàu lá dừa ra hai bên, cặp sát với phần thân dưới của nó tạo thành hình trái tim rất đẹp mắt.
– Các cây cột của trại được dùng bẹ chuối ốp lại rồi đính lá đủng đỉnh xung quanh. Mỗi khi có gió, lá đủng đỉnh lắt lay nhẹ nhàng tạo vẻ lóng lánh rất vui mắt.
Nghệ thuật chưng kết là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của người dân Tiền Giang, góp phần làm phong phú các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam và làm đẹp cho cuộc sống của quần chúng nhân dân./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch