Qua những di vật của Vương quốc Phù Nam phát hiện tại An Giang, từ Óc Eo, Ba Thê, chùa Linh Sơn, Lò Mo cho đến Đá Nổi… có thể nhận thấy vùng Óc Eo-An Giang xưa thật sự là một trung tâm phát triển với nhiều ngành nghề cung ứng nhiều sản phẩm cho xã hội, với các ngành nghề, như: Kim hoàn, gốm, kiến trúc, mộc, đúc kim loại, chế tác đá, nấu thủy tinh… <!—->
Nghề kim hoàn của Phù Nam-Óc Eo có 2 loại sản phẩm chính: Đồ phục vụ tôn giáo tín ngưỡng và đồ trang sức. Cư dân Phù Nam-Óc Eo nắm chắc kỹ thuật của nghề kim hoàn, họ đã tạo ra các sản phẩm vàng khối, như: Tượng Linga- Yoni rất hiện thực; sản phẩm bằng vàng khối thể hiện mẫu vật với độ tinh xảo. Các sản phẩm vàng lá hiện nay còn tồn tại rất phong phú, chúng dù rất mỏng và diện tích rất nhỏ nhưng kỹ thuật khắc chìm vẫn làm ra sản phẩm hoàn chỉnh với các hình chạm chính xác đến độ có thể phân biệt các loại trang phục của thần linh và các vật mà nghệ nhân muốn thể hiện. Ngoài các loại đồ thờ, nghề kim hoàn Phù Nam-Óc Eo còn có các sản phẩm dùng trong trang sức mà tiêu biểu là các loại hoa tai, các loại nhẫn mặt trơn hay cẩn đá hoặc gắn tượng bò Nandi, gắn hình trăng lưỡi liềm…
Bên cạnh đó, sản xuất đồ gốm cũng là một nghề quan trọng của cư dân Phù Nam-Óc Eo. Đặc biệt là những hiện vật gốm mang tính tôn giáo và mỹ thuật như các loại tượng đặc tả được nét nhân chủng và có thần thái rất độc đáo. Người ta có thể nhận dạng cư dân Châu Âu, Bắc Á, Trung Á, Ấn Độ, Đông Nam Á của cư dân Óc Eo thời cổ qua các tượng đầu người… Dụng cụ làm gốm của nghề gốm Phù Nam-Óc Eo hiện còn là các loại bàn xoa, bàn dập hoa văn…
Người Phù Nam- Óc Eo sử dụng vật liệu kiến trúc theo những gì sẵn có trong vùng đất họ đang cư trú. Họ dùng chất liệu gỗ với những cây to làm cọc để dựng nhà sàn trên vùng đất thường xuyên ngập lụt hoặc dùng gỗ làm chi tiết mái, lan can… Đất sét cũng được họ nung thành gạch ngói để sử dụng trong kiến trúc (làm nhà, làm đền thờ…). Đến nay, những kiến trúc của Phù Nam- Óc Eo chỉ còn lại nền móng không hoàn chỉnh, tùy theo cấu trúc còn lại và các di vật tìm thấy trong các phế tích, các nhà khảo cổ đã phân biệt một số loại kiến trúc Phù Nam- Óc Eo như: Nhà sàn, đền thờ, mộ táng… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể phục dựng lại được một công trình kiến trúc nào của Phù Nam- Óc Eo.
Với hiện vật còn lại là cọc nhà sàn, các tượng Phật, một số chi tiết kiến trúc mái và lan can… đã cho thấy cư dân Phù Nam- Óc Eo có tay nghề mộc cao, đặc biệt là đã phát hiện ra và sử dụng các loại danh mộc bản địa như cây sao, cây mù u… thiết kế những công trình kiến trúc bằng gỗ khá bề thế, đục chạm những pho tượng chuẩn về nhân trắc học với dáng người thon gọn. Đồng thời, thể hiện được phần nào y phục của giới tăng lữ đương thời. Trong việc chế tác và sử dụng các loại công cụ thợ mộc, hầu như không tìm thấy dấu vết cưa và dấu vết bào trên các sản phẩm gỗ…
Ngoài ra, các hiện vật bằng thiếc (khuyên tai, con dấu…), bằng đồng (tượng Visnu, đĩa…), bằng bạc (đồng tiền tròn…) cho thấy, nghề đúc kim loại đã đi vào ổn định và phát triển khá đa dạng với nhiều kiểu dạng hiện vật và nhiều chất liệu kim loại. Tuy nhiên, dụng cụ của thợ đúc kim loại Phù Nam- Óc Eo hiện chỉ còn các loại khuôn bằng đá dùng trong đúc đồ trang sức. Người Phù Nam-Óc Eo đã tìm ra quy trình đúc kim loại với kỹ thuật nấu kim loại và kỹ thuật đổ khuôn khéo léo; hiện vật được đúc với khuôn 2 mang sắc nét đầy tính nghệ thuật.
Với các pho tượng Bà La Môn, tượng Linga-Yoni đầy biểu cảm và bằng chất liệu đá địa phương, kỹ thuật chế tác đồ đá của cư dân Phù Nam-Óc Eo đạt đỉnh cao, có lẽ cũng là những tác phẩm tiền thân mà sau này công trình vĩ đại Angkor Vat-Angkor Thom kế tục. Nghề chế tác đá cũng góp phần vào việc phát triển nghề đúc kim loại với các loại khuôn đúc nữ trang đa dạng. Cạnh đó, các loại hạt chuỗi với nhiều hình dạng tròn, oval, hình thoi… từ đá bán quý agat, thạch anh, mã não… đòi hỏi mức độ tỉ mỉ, chính xác cho thấy tay nghề thợ làm đồ trang sức là đáng khâm phục. Bên cạnh đó, nghề nấu thủy tinh đã bước đầu phát triển tại Phù Nam-Óc Eo, thể hiện qua các loại sản phẩm thủy tinh với nhiều hình dạng như: Hình tròn, hình dạng trái cây… của đồ trang sức, hình nửa oval của con dấu, ngẫu tượng cặp đôi Linga-Yoni…
Thời kỳ này, tuy mới chỉ có 3 ngành nghề kim hoàn, làm gốm và đúc kim loại phát hiện những hiện vật có tính chất dụng cụ chế tác nhưng qua bước đầu tìm hiểu một số nghề thủ công của người Phù Nam- Óc Eo, có thể thấy các thế hệ cư dân Phù Nam- Óc Eo đã nắm chắc nền tảng kỹ thuật của từng nghề. Đồng thời, thể hiện tài trí và sức lao động sáng tạo của mình, sử dụng từng loại chất liệu phù hợp trong từng ngành nghề và để lại những sản phẩm đặc trưng không trùng lắp với bất cứ văn hóa nào trước và sau nó. Đây chính là đóng góp của người Phù Nam-Óc Eo vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Với những đóng góp nói trên, bước đầu có thể khẳng định: Văn hóa Óc Eo là một trong ba bộ phận hợp thành của văn hóa Việt Nam thời cổ đại, có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu kinh tế, lịch sử, văn hóa, tộc người ở Việt Nam cũng như mối quan hệ giao lưu thương mại quốc tế trong những thế kỷ đầu công nguyên. Chính vì thế, năm 2012, các di tích văn hóa Óc Eo ở Ba Thê –An Giang đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch