Mùa màng hối hả qua đi. Từ bờ ruộng, hàng rào, sân nhà tràn ngập rơm vàng quyện hương lúa mới thơm nồng. Với người dân quê, rơm vô cùng quen thuộc để ủ ổ trứng gà, làm thức ăn dự trữ những ngày đông giá rét cho trâu bò, thay lạt bó mớ rau. Và khi chưa có chăn ấm, đệm êm, bàn ghế cầu kỳ, rơm là nguyên liệu tạo nên những sản phẩm vô cùng hữu ích như đệm rơm, thảm rơm…
Cuộc sống hiện đại đầy đủ và tiện nghi hơn nên hình ảnh những chiếc ghế rơm quanh bếp lửa nhà sàn không còn phổ biến. Thế nhưng, tại các bản làng ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, vẫn có những người phụ nữ Tày luôn nâng niu, gìn giữ cách làm nệm rơm truyền thống và coi đó như nét văn hóa đẹp truyền lại cho các thế hệ con cháu.
Rơm được tích trữ sau vụ gặt vừa là nguyên liệu làm ghế rơm, vừa làm thức ăn cho gia súc.
Chị Mạc Thị Khon (xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Hồi xưa hầu như trong nhà nào cũng dùng rơm để bện thành nệm rơm, ghế rơm để dùng trong nhà. Ghế rơm thì ngồi rất êm còn nệm rơm thì giúp giữ ấm trong mùa đông, ngày xưa khó khăn không có đệm như bây giờ nên các cụ đã bện thành nệm rơm để thay cho tấm đệm. Cứ mỗi khi mùa gặt kết thúc, trời bắt đầu trở lạnh, bà con trong làng lại rủ nhau bện nệm rơm, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả. Ngày nay, chúng tôi vẫn làm những chiếc ghế rơm vừa để con cháu không quên đi những sản phẩm truyền thống, vừa giới thiệu cho khách du lịch đến tham quan làng đá Khuổi Ky”.
Những chiếc ghế rơm được bện thật đẹp qua bàn tay của các nghệ nhân.
Để có chiếc ghế rơm đẹp, ngoài tay nghề, kỹ thuật đan bện khéo léo của từng người thì điều quan trọng nữa là phải lựa chọn được sợi rơm khô, dài đều, không mốc, có độ dai, bóng. Những sợi rơm được tết lại với nhau thật chặt theo kiểu vặn thừng, sau đó cuộn tròn và chốt lại bằng ghim gỗ hoặc tre. Ghế rơm có hình trụ tròn, nhiều kích cỡ to, nhỏ, cao, thấp theo yêu cầu người sử dụng. Tuy nhiên, phổ biến nhất là loại cao khoảng 10cm, đường kính 25cm và thường được dùng để ngồi ăn cơm với mâm trúc. Ngoài ra, còn có loại ghế rơm lớn với đường kính lên đến 1m, độ cao 15cm và cần tới nhiều ngày mới có thể hoàn thành.
Thế hệ trẻ bận rộn với công nghệ nên ít nhiều không còn quan tâm đến nhiều nghề truyền thống. Thế nhưng vẫn có một số gia đình trong bản kiên trì dạy con cháu, từ những công đoạn tỉ mỉ như chọn rơm, phơi khô, bện rơm… Đặc biệt, khi du lịch cộng đồng phát triển với các mô hình trải nghiệm văn hóa thì việc duy trì các nghề thủ công truyền thống của đồng bào càng trở nên cần thiết.
Ông Lã Hồng Kỳ, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Huyện định hướng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai thác các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, huyện có phương án khôi phục các sản phẩm thủ công truyền thống, làm các mô hình trưng bày tại điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện như: đan nón Tày, làm ghế rơm, làm những mô hình cọn nước nhỏ… Hiện nay ở Trùng Khánh có xã Đàm Thủy đang làm rất tốt công tác này”.
Chiếc ghế được làm hoàn toàn bằng chất liệu rơm tự nhiên nên không ít khách du lịch đã tìm mua đem về dùng hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè… Không những thế, đồ dùng làm từ các loại phế thải nông nghiệp rất phù hợp xu hướng sống xanh, thân thiện với môi trường. Đến với vùng đất Trùng Khánh để đắm mình trong hương dẻ thơm bùi, lắng nghe câu then điệu tính, thưởng thức những sản vật độc đáo của núi rừng Việt Bắc… và khi về mang theo một chiếc ghế rơm độc đáo. Tất cả sẽ khiến hành trình khám phá non nước Cao Bằng trở nên thú vị, hấp dẫn hơn bao giờ hết./.
Hoàng Cường
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch