Đến Lâm Bình (Tuyên Quang), một trong những điều thú vị, độc đáo mà người dân ở đây muốn giới thiệu với du khách là ẩm thực. Ở Lâm Bình, du khách hoàn toàn có thể “quên” những món ăn đồng bằng, để chìm đắm vào hương vị đặc biệt của những sản vật rừng núi ở đây.
Mâm cỗ người Lâm Bình đãi khách.
Tại homestay Nặm Đíp (xã Lăng Can, Lâm Bình), du khách có thể được thưởng thức trọn vẹn một mâm cỗ Tày “trăm phần trăm” do các “đầu bếp” người Tày thực hiện, với nguồn thực phẩm được cung cấp từ chính trong vùng. Một mâm cơm mà người Tày ở Lâm Bình đãi khách thường không đựng thức ăn trong bát đĩa, trừ món canh. Tất cả các món ăn đều được bày rất khéo trên các mảnh lá chuối đặt trên một chiếc mẹt tre có kích thước bằng chiếc mâm. Đây là mâm cơm được nấu hoàn toàn theo cách truyền thống của người Tày.
Chẩu Thanh Ngà, một ông chủ trẻ người Tày sở hữu homestay Tài Ngào khá nổi tiếng ở Lâm Bình rất hào hứng khi chia sẻ với khách về các món ăn độc đáo ở quê mình. Một trong những món không thể thiếu trong mâm cơm vùng cao là nộm rau dớn.
Chẩu Thanh Ngà cho biết, cây rau dớn mọc nhiều trong rừng, thuộc họ dương xỉ, có đặc trưng hơi nhớt nhưng nếu chần hoặc luộc qua rồi trộn chua ngọt với lạc lại rất ngon. Cũng là thịt lợn bản nướng, nhưng thịt được ướp bằng hạt dổi và mẻ, dậy lên mùi thơm đặc trưng quyến rũ. Một món đặc sản khác ở đây là vịt suối Lâm Bình. Vịt được thả tự nhiên ở ngoài suối, rất sạch, chắc và ngọt thịt. Vịt suối Lâm Bình được chấm bằng một loại nước chấm đặc biệt, chính là nước luộc vịt. Nước luộc vịt còn sôi sùng sục, đem tưới lên bát rau răm vừa được thái sợi thật mỏng, trộn thêm ít bột canh, tiêu ớt cho vừa miệng. Phải là nước đang sôi, vì nếu nguội, người ăn sẽ chịu nguyên vị hăng của lá rau răm lấn át. Khi chấm, phải nhúng ngập miếng thịt vịt vào bát nước chấm, mới thấy được đủ vị béo ngậy, thơm hăng hăng, ngọt và đậm đà của miếng thịt vịt quyện trong nước chấm.
Mâm cơm vùng cao cũng không thể thiếu món măng. Chẩu Thanh Ngà cho biết, ở Lâm Bình, mùa nào cũng có măng tươi, mùa nào loại măng đó, như măng vầu, măng sặt, măng đắng, măng nứa… Măng nứa còn có măng nứa thường, măng nứa tép… Mùa này đang là mùa măng nứa. Cây măng lột vỏ rửa sạch rồi nhồi thịt băm, hành lá vào, vị ngọt của thịt hòa lẫn trong vị ngọt, giòn và hơn nhần nhẫn của măng, khiến ai thưởng thức rồi cũng khó có thể quên. Chẩu Thanh Ngà bảo, măng ở đây không có vị chua như măng dưới xuôi, cũng không cần phải luộc thật kỹ như măng dưới xuôi. Chỉ cần chần qua chút cho mềm, dễ nhồi thịt vào rồi đem hấp lên là được.
Bữa cơm ở Lâm Bình, không thể thiếu món trứng tráng rau hôi (còn gọi là rau thối). Cái tên kỳ lạ đối nghịch với món ăn lại khiến nhiều du khách tò mò nhất.
Chẩu Thanh Ngà kể, rau hôi khi hái tươi có mùi rất khó chịu: “Trong một xóm có khoảng từ 7-10 nhà sống gần nhau, chỉ cần một nhà hái lá rau hôi tươi là cả xóm ngửi thấy, mùi lá tươi rất khó chịu. Khi ngửi mùi lá rau, không ai nghĩ ăn lại ngon như thế. Lá rau thối gần giống như lá cây phượng nhưng nhỏ hơn. Rau hôi tuốt ra, rửa sạch rồi nấu trộn với trứng đem chiên lên, không những không còn mùi khó chịu nữa mà ăn rất ngon. Đặc biệt, rau hôi còn là một vị thuốc tốt cho hệ bài tiết, cho thận”.
Đặc biệt, trong mâm cơm của người Tày ở Lâm Bình còn có món da trâu xào măng chua. Măng chua là măng ngâm chua với ớt. Còn da trâu, theo như Ngà nói, xưa kia các cụ dựng nhà thường lấy da trâu bện lại thành những sợi dây kéo vô cùng chắc để kéo gỗ dựng nhà sàn. Da trâu nay lại thành một món ăn độc đáo, chế biến khéo léo sao cho không còn mùi hoi của trâu, không bị dai, mà giòn và mềm vừa đủ độ, quyện trong vị chua cay của măng.
Điểm nhấn của mâm cơm đặc biệt, là món cá bỗng sông Gâm. Cá bỗng, nhiều người nhầm thành cá bống, to cỡ vừa, chỉ tầm hơn 1kg, nhưng đây lại là loài cá rất lâu lớn. Chẩu Thanh Ngà cho biết, để đạt trọng lượng 1-2kg trở ra, có khi mất cả năm. Con cá lên được mức 3kg phải mất vài năm. Cá bỗng sống tự nhiên trên sông Gâm, ăn rau, rong rêu, cho nên thịt rất chắc và vô cùng ngọt. Cá bỗng nướng lên, chấm trực tiếp với mắm ớt cay xè, hoặc cuốn với bánh đa, rau sống, ăn rất “vào”.
Cá dưới sông, vịt ngoài suối, trứng trong chuồng, rau ngoài rừng hoặc trong vườn. Chỉ với những thứ thực phẩm hết sức đơn giản và gần gũi như vậy, người Tày ở Lâm Bình đã quyến rũ du khách bằng ẩm thực độc đáo của mình. Một điểm đặc biệt khác ở Lâm Bình là các homestay cùng hỗ trợ nhau giới thiệu nét đẹp ẩm thực của vùng đất quê mình tới du khách, chứ không riêng lẻ như nhiều nơi khác.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch