Ngoài hoa, tam giác mạch được sử dụng như một loại rau sạch để chế biến lẩu
Đến với loài hoa và món ăn ngon, lạ này khiến tôi nhớ tới câu chuyện vô tình gặp anh bạn làm kỹ sư nông nghiệp, chuyên thuần các giống thảo dược, hoa cỏ ở Thiên đường hoa Quảng La (Hoành Bồ). Anh mời tôi vào chơi, thăm thảm hoa tam giác mạch trái mùa và thưởng thức món ăn đặc biệt, là lẩu nấu từ hoa tam giác mạch. Lẩu hoa tam giác mạch, chỉ nghe cái tên thôi đã kích thích, gây tò mò cho thực khách. “Thế mà có đấy. Tôi sẽ chiêu đãi các bạn một chuyến tham quan thảm hoa tam giác mạch và thưởng thức món lẩu này, ngay tại đất Hoành Bồ thôi” – anh bạn mời.
Nhận lời mời, nhóm chúng tôi háo hức đeo ba lô, máy ảnh, dong xe lên đường tới Quảng La. Nơi đây là một không gian rộng lớn của hoa, thảo dược đủ loại. Điều chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là ở đất Mỏ Quảng Ninh đã trồng được hoa tam giác mạch vào tháng 3, 4 khi mà ngay tại quê hương Hà Giang, tam giác mạch đã tàn. Và thật ngạc nhiên, giữa khung cảnh xanh ngát rừng núi của Quảng La là những cánh đồng hoa trải dài sắc tím hồng chinh phục biết bao người giữa nắng hè vừa sang.
Có câu ví von rằng, hoa tam giác mạch là món quà trời ban. Bởi không chỉ là loài hoa đẹp, đây còn là loài cây lương thực quen thuộc với đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Hạt của loài hoa này được hái về rồi đem phơi khô và xay nhỏ thành bột, từ đó dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, họ chế biến thành món ăn cực hấp dẫn: bánh tam giác mạch. Thân cây tam giác mạch khi còn non được người dân hái về ăn như rau hoặc chế biến lẩu…
Trong khi chúng tôi ngây ngất trước bạt ngàn sắc tím hồng của tam giác mạch thì bạn tôi đã đi lựa hái những cây tam giác mạch làm thực phẩm. Và thật bất ngờ, chốc lát tam giác mạch đã trở thành món ăn ngon, lạ miệng… Vị chua chua, giòn giòn sẽ khiến ai đã từng nếm qua món rau tam giác mạch sẽ có cảm nhận thật nhất. Kết hợp lẩu gà với rau tam giác mạch cũng chính là sự sáng tạo riêng để tạo sự phong phú về ẩm thực nhằm gây ấn tượng với thực khách.
Ở “đất khách” Hoành Bồ nhưng những luống tam giác mạch vẫn bạt ngàn, xanh mướt, cây hoa không vì thế mà nhỏ hơn, hoa kém thắm hơn… Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng hoa, anh bạn kỹ sư nông nghiệp chia sẻ: Để đảm bảo độ giòn và vị chua nhẹ cho rau tam giác mạch, thân rau được ngắt lúc cây đang ra hoa, sau 20 ngày xuống giống là ngon nhất. Thời điểm trái vụ, muốn tam giác mạch ngon phải có cách chăm bón kỹ hơn là tưới nhiều nước sạch và bón bằng phân vi sinh từ giun quế vốn rất sẵn ở trang trại nuôi giun quế của đơn vị.
Gà được chọn làm nguyên liệu cho món lẩu có trọng lượng từ 1,8kg đến 2kg, được nuôi theo cách truyền thống của người dân địa phương, chăn thả trên đồi từ khoảng 8 tháng trở nên. Nước dùng nấu lẩu có thể dùng nước xương ninh hoặc nước ninh cổ cánh gà sẽ tạo vị đậm đà, tự nhiên nhất cho nồi lẩu.
Vị chua của rau sẽ làm cho nước lẩu có mùi vị thanh mát, quyến rũ được những vị khách khó tính nhất. Thịt gà dai, thơm, béo ngậy là sự kết hợp hoàn hảo cùng với rau tam giác mạch. Món ăn mới lạ không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Rau tam giác mạch có tính mát, giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh như táo bón, tiểu đường, huyết áp, dạ dày…
Quả thật, vừa được ngắm những cánh đồng hoa rực rỡ, muôn ngàn loài hoa đang khoe sắc, lại được thưởng thức món ăn lạ, độc đáo từ tam giác mạch giữa không gian núi rừng trong mát là một trải nghiệm thật tuyệt!
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch