“Khẩu Sli” có nghĩa là “Bánh bỏng gạo nếp có chứa lạc”. Thứ bánh này là một trong những loại bánh đặc sản địa phương mà người Cao Bằng dùng để mời khách khi đến chơi nhà, thường được ăn kèm khi uống nước chè xanh. Đặc biệt, Khẩu sli chế biến theo công thức cổ truyền, từ nguyên liệu sẵn có của địa phương như: gạo nếp, lạc, đường mật; sản xuất theo phương pháp thủ công gia truyền với các công đoạn khác nhau, như: đồ xôi, phơi, giã, sấy, sàng, rang. <!—->
Nguyên liệu để làm phải là gạo nếp thơm, dẻo, hạt to, mẩy. Gạo nếp đem ngâm, đồ chín, trộn với bột ngô theo tỷ lệ 1/1, phơi nắng rồi giã, ướp mỡ, rang thành bỏng. Bỏng được đem trộn với đường. Rồi đổ ra khuôn, nén chặt đều tay và rải lạc lên. Khẩu Sli bảo quản tốt, có thể để được lâu. Bánh có mùi vị rất đặc trưng, thơm, ngon và bổ dưỡng. Thứ bánh này trước kia được người dân làm trong dịp lễ, Tết hay nhà có việc trọng đại. Nhưng hiện nay Khẩu Sli thực sự trở thành đặc sản, nổi tiếng, một món quà không thể thiếu trong hành lý của mỗi du khách khi đến tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, do Hợp tác xã Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng sản xuất.
Hiện nay, Hợp tác xã có khoảng 20 hộ tham gia sản xuất thường xuyên, trung bình mỗi hộ sản xuất 1- 2 mẻ/ngày, mỗi mẻ 10 gói, vào dịp lễ tết thường có 40 – 50 hộ dân tham gia sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, góp phần giảm nghèo một cách bền vững từ nghề truyền thống của địa phương.
Ông Nông Quốc Tằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Để làm ra Khẩu Sli ngon quan trọng nhất là khâu chọn gạo nếp và đường phên. Hiện nay, Hợp tác xã Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất như thiếu mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt là đổi mới, cải tiến thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để sản phẩm đặc sản Khẩu Sli Nà Giàng được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong thời gian tới, cần có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, trong việc đầu tư đổi mới thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của sản phẩm chủ yếu là trong tỉnh và làm quà tặng cho du khách thập phương đến Cao Bằng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch