Nhiều chủ lò bánh tét cho biết, trước đây bánh tét Trà Cuôn được làm từ loại nếp sáp địa phương. Hiện nay, nhu cầu ngày càng tăng cao, nguồn nếp địa phương không đủ cung cấp nên các lò bánh phải nhập nếp sáp của Thái Lan để làm bánh. Để làm được đòn bánh tét ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu đầu đem nếp đi vo (khoảng 6-7 nước), để cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước lá rau ngót (loại rau ngót dùng nấu canh) để tạo màu tươi và có mùi thơm. Thịt nạc, mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính làm nhưn bánh tét. Nếp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay và có “bí quyết” đã làm nên nét đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn.
<!—->
Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn có thể bảo quản được lâu (7-8 ngày). Nhiều kiều bào về quê ăn Tết còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận trời “Tây” để kiều bào xa quê thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà.
Nhờ có hương vị khá đặc trưng, mà thời gian gần đây đòn bánh tét Trà Cuôn đã vươn ra khỏi địa phương, theo các chuyến xe đò, khách du lịch và người dân Trà Vinh đi khắp các tỉnh ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh…Đặc biệt, nhờ bảo quản được lâu, một số kiều bào còn mang cả đòn bánh tét Trà Cuôn ra các nước Phương Tây.
Bánh tét Trà Cuôn đã có tiếng vang lớn, mỗi ngày có hàng trăm đòn bánh tét tới tay người tiêu dùng. Chứng tỏ con đường hình thành một thương hiệu made in Trà Cuôn đang tiến triển rất tốt đẹp và đây là mong ước của người dân Trà Cuôn, cũng như các cấp chính quyền địa phương. Thông qua việc xây dựng thương hiệu sẽ giữ uy tín và chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, hay xa hơn nữa là giúp địa danh Trà Cuôn ngày một in sâu trong cảm tình du khách gần xa./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch