Bún mắm cua có xuất xứ từ Bình Định và được người dân Gia Lai biến tấu cho hợp khẩu vị của nơi đây. Món bún mắm cua rất đặc biệt, cũng giống như sầu riêng, ai chưa quen ăn thì chỉ cần nghe mùi là “chạy”, bởi bún mắm cua có mùi thum thủm rất nặng nên nhiều người gọi là “bún thối”. Tuy nhiên, khi đã ăn quen rồi thì “ghiền” lúc nào không hay. Bạn tôi kể rằng, chỉ cần nhắc tới bún mắm cua là thèm lắm, khi đi xa Pleiku, nhiều lúc chỉ muốn chạy ào về để sà vào hàng bún mắm cua.
Hương vị đặc biệt và giá cả bình dân nên bún mắm cua đã trở thành món ăn thân thuộc của rất nhiều người Phố núi. Bún mắm cua được bán rải rác khắp TP. Pleiku, nhưng đặc biệt ngon có lẽ là bún mắm cua Chi ở chợ Nhỏ nằm trên đường Phùng Hưng (phường Hội Thương). Theo nhiều người rỉ tai nhau thì đây được xem là quán bún mắm cua đầu tiên ở Phố núi.
Để có một tô bún mắm cua ngon, người nội trợ cũng hết sức kỳ công trong các khâu chế biến. Nguyên liệu chính để tạo ra món bún mắm cua là cua đồng. Mớ cua đồng mua về được ngâm với nước để cua nhả hết chất cặn bẩn. Sau đó thì cho vào một ít muối ngâm khoảng 10-20 phút, rồi rửa sạch, để cho ráo nước. Để không bị cua kẹp vào tay, người làm có một bí quyết nhỏ là nhúng sơ mớ cua đồng vào nước sôi. Sau đó cua được bóc mai và yếm, chỉ lấy phần thịt, đem giã nhuyễn (hoặc xay bằng máy) rồi lọc lấy nước, tùy theo lượng cua mà thêm nước nhiều hay ít. Sau khi lọc bỏ hết xác cua thì đem nước cua vừa lọc đi ủ khoảng một ngày một đêm cho lên men chua. Đây chính là nước dùng, người ăn thích độ nồng nhiều thì có thể ủ chua lâu hơn. Nếu nước cua sau khi ủ, được phơi nắng trước khi đem nấu thì món bún mắm cua càng dậy mùi hơn.
Bún mắm cua Gia Lai. Ảnh: Nhung Lương
Khi nước cua đã đủ độ chua theo ý thích thì chế biến thành món bún mắm cua. Để nước mắm cua được thơm ngon thì không thể thiếu thịt ba chỉ. Hành tỏi băm nhỏ, phi cho vàng, rồi cho thịt ba chỉ vào đảo cho tới khi thịt săn lại, cho hạt nêm và các gia vị thấm vào thịt, sau đó cho nước cua đã được ủ chua vào, nêm thêm gia vị vừa ăn. Khi nước mắm cua sôi thì cho trứng vịt, măng đã xắt mỏng vào, có thể sử dụng măng tươi hoặc măng khô, thời gian đun càng lâu thì mắm càng thấm vào măng sẽ càng ngon.
Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chế biến, bún được xếp vào tô với lượng vừa phải sau đó chan nước mắm cua xăm xắp bún kèm theo măng và thịt ba chỉ, thêm một ít hành phi, da heo chiên giòn lên trên. Ớt xay, mắm nêm và chanh là gia vị không thể thiếu cho món ăn này. Ớt càng nhiều, tô bún mắm càng ngon, bởi hương vị của ớt giúp giảm độ tanh của cua và tăng độ nồng của mắm; chanh làm cho vị cua thêm thanh, khiến tô bún trở nên đậm đà, hấp dẫn. Tuy nhiên, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà nêm nếm phù hợp với mình. Ngoài ra, bún mắm cua còn ăn kèm thêm trứng hoặc chả, nem và các loại rau như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ tàu, kinh giới và các loại rau thơm….
Món bún mắm cua độc đáo khi thưởng thức bạn sẽ cảm giác ở đầu lưỡi vị mặn của mắm cua, vị cay của ớt, vị thơm của các loại rau, hương vị nồng đặc trưng của bún mắm, âm thanh giòn rụm của da heo chiên… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và đặc biệt khó quên.
Tôi có cô bạn ở TP. Hồ Chí Minh, nghe giới thiệu về món bún mắm cua đã rất tò mò muốn được ăn thử. Thế rồi, có dịp lên Pleiku, bạn đòi tôi đưa đi ăn ngay. Mới nghe mùi thì bạn rất sợ, nhưng khi ăn xong tô đầu tiên thì bạn tôi ăn liền thêm tô nữa vì hương vị quá thu hút. Bạn tôi đặt món bún mắm cua Pleiku là món ăn “thử thách”, bạn bảo một khi đã vượt qua thì chỉ có “nghiện” món ăn này mà thôi. Mỗi lần có dịp đi công tác Pleiku, món đầu tiên bạn chọn là bún mắm cua.
Món bún mắm cua sẽ đặc biệt ngon, trở nên đậm đà, cay nồng hơn, hấp dẫn hơn khi thưởng thức vào lúc trời chuyển lạnh hoặc vào mùa mưa. Hãy đến phố núi Pleiku và một lần thử nếm hương vị đậm đà, khó quên của món ăn này bạn nhé!
Lê Vi Thủy
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch