Bún bắp chính là bún làm từ bột bắp (ngô). Tên gọi nghe đơn giản nhưng để làm ra những sợi bún bắp thì thực sự kỳ công. Trước hết là khâu giã bắp. Bắp khô được giã trong cối với vỏ trấu để tách mày trắng ở cuống hạt bắp. Thợ làm bún vừa giã vừa sảy, sàng sao cho bắp nát đều, cám mày được loại bỏ hết. Phần hạt bắp còn lại được gọi là gạo bắp.
Tiếp đến, ngâm gạo bắp khoảng 30 phút rồi đem ủ một ngày đêm để lên men. Gạo bắp ủ xong cho ra nia, phun nước giữ ẩm thêm ba ngày rồi ngâm một lần nữa để khử chua. Sau đó, gạo bắp được cho vào cối quết thành bột, mang đi luộc rồi xay nhuyễn trước khi đến công đoạn cuối là ép bún. Bún được ép xuống nồi nước đang sôi, khi chín sẽ nổi lên, thợ làm bún sẽ vớt ra và vắt thành lọn.
Thơm ngon bún bắp mực câu.
Từ bún bắp có thể làm nhiều món ngon. Bún bắp xào mỡ hành (hoặc hẹ lá) xúc bánh tráng; bún xào nấm hay lòng lợn hoặc ăn kèm canh chua cá bống, canh gà lá giang đều rất ngon. Bún bắp ăn với nước lèo nấu ốc, mực cơm, cá ngừ, giò heo… hay thậm chí ăn với xì dầu, nước mắm ớt tỏi đều rất thú vị. Bún bắp nấu cách nào cũng ngon. Cái ngon của bún bắp trước hết đến từ màu vàng óng bắt mắt, vị ngọt thơm đặc trưng của bắp cùng cái dẻo bùi của sợi bún được chế biến nhọc công, tỉ mỉ. Đặc biệt, không chỉ độc đáo ở màu sắc, hương vị, bún bắp có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên được biết tới với nhiều điểm đến, món ngon nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến món bún bắp Tuy An độc nhất vô nhị. Về Phú Yên, chưa thưởng thức bún bắp thì quả là một điều đáng tiếc.
Phạm Tuấn Vũ
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch