Đã lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức chén bánh canh mặn nước cốt dừa. Từng sợi bột xắt giòn, dai sừn sựt được phớt màu đỏ gạch của tôm quện trong nước súp nấu bằng nước cốt dừa sền sệt.
Bánh canh tôm nước cốt dừa.
Húp một muỗng bánh canh tôm bột xắt nước cốt dừa trong khi bụng đang đánh trống mà nghe cái ngon được nâng lên một nấc.
Cuối tuần, với bộn bề công việc cuối năm, khi tôi rời chỗ làm, ngó lên, mặt trời đã thẳng đứng trên đỉnh đầu và bụng thì đói cồn cào.
Đang loay hoay với suy nghĩ tìm món gì đó nong nóng bỏ bụng vì càng gần Tết Nguyên đán dù trời nắng chang (như lúc này) nhưng hơi lạnh thì cứ se se. Bỗng! Điện thoại báo tin nhắn của zalo: “Làm về chưa nhỏ? Ghé nhà tao có cái này hay lắm!”
Cái kiểu nhắn tin úp úp mở mở của nhỏ Nhàn- đứa bạn thân của tôi – khiến tôi phải tò mò. Cái gì mà hay lắm nhỉ? Giờ cơm trưa mà! Chắc Nhàn lại rủ mình ăn uống gì đây! Thân quá nên chẳng thèm ngại ngùng hay câu nệ, tôi bon bon chạy xe đến nhà Nhàn.
Không cơm canh, lẩu nhúng hay cháo gà, cháo vịt, mẹ Nhàn đãi tôi bánh canh tôm bột gạo xắt nấu với nước cốt dừa. Ôi! Món ăn tôi ưa thích mà đã lâu rồi tôi vẫn chưa được ăn.
Tôi nhớ thầm: “Lâu rồi mình chưa về thăm quê nên đâu có được ăn bánh canh bột xắt của mẹ. Bánh canh ngoài chợ làm bằng bột gạo, bột năng pha sẵn nên kém ngon”. Sau những câu chào hỏi thăm nom, tôi cùng Nhàn phụ bác múc bánh canh.
Thưởng thức tô bánh canh nóng hổi trong tiết trời se lạnh, húp miếng nước sền sệt đục béo nước cốt dừa, nhai từ tốn cọng bánh dai dai, cùng miếng thịt tôm ngọt đậm đà… tất cả hòa quyện vào nhau ngất ngây, là ngon, là tuyệt.
Tiếng nói cười rôm rả, tiếng xì xụp húp bánh canh làm không khí trở nên nhộn nhịp và ấm cúng. Từ đó, mọi chuyện cũng chỉ xoay quanh món bánh canh bột xắt nấu nước cốt dừa.
Món bánh canh bột gạo xắt nấu với nước cốt dừa có thể nấu với tôm, hến, giò heo, cá lóc… Nhưng sang và ngon nhất vẫn là nấu với thịt vịt, nấm mối.
Đặc biệt, bánh canh bột xắt, thịt vịt, nấm mối nấu với nước cốt dừa nếu thiếu miếng huyết vịt đông nếp dẻo thì sẽ bớt ngon. Miền quê có hơi ấm toát ra từ bếp củi với tiếng lạch cạch xắt bột bánh canh hiện ra trước mắt tôi. Mỗi lần lễ, tết, cả nhà tôi thường quây quần nấu bánh canh thịt vịt nước cốt dừa.
Chị em chúng tôi đứa bầm thịt vịt, đứa xay bột, đứa thì rửa và xắt nhuyễn ít nấm mối vừa hái được ngoài vườn. Cha tôi lúc nào cũng lãnh nhiệm vụ lột và nạo dừa. Và, công đoạn xắt bánh bao giờ cũng thuộc về mẹ tôi. Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt để riêng, nước dảo cho vào nồi. Bắc nồi nước này lên bếp, khi nước sôi bừng là mẹ bắt đầu xắt bánh.
Bột được xay, dằn và nhồi xong, mẹ lấy từng ít đắp vào một cái chai, rồi dùng đũa bếp xắt sợi. Vừa xắt mẹ vừa xoay theo vòng tròn của chai, chốc chốc lại dùng đũa đưa xuống đảo nhẹ cho từng sợi bánh rời ra. Điệu nghệ là thế nên thấy dễ mà khó thành ra tôi cứ học hoài mà vẫn chưa làm được đành phụ mẹ đắp bột vào chai.
Bánh xắt xong, trút thịt vịt bầm đã xào săn với hành, tỏi, nấm mối vào. Nêm nếm lại cho vừa ăn, cho nước cốt dừa vào quậy đều, tắt bếp. Múc bánh canh ra rắc thêm ít tiêu, hành lá cắt nhỏ là đã hoàn thành.
Bánh canh mặn nấu với nước súp đơn thuần thì nhiều người biết đến và không kén người ăn. Còn bánh canh mặn nước cốt dừa có phần kén đối tượng người dùng hơn.
Nhưng, bánh canh mặn nước cốt dừa lại có hồn cốt riêng, tạo dấu ấn không thể lai tạp, dung hòa. Đó là vị béo ngậy của nước cốt dừa. Thế mới thấy được sự độc đáo trong kết hợp của người dân quê. Cây nhà, lá vườn dù dân dã nhưng luôn khó thay thế và phai mờ!
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch