Rượu Kim Sơn
Kim Sơn nằm trong khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, rất giàu tài nguyên thiên nhiên thủy hải sản và lương thực. Chính đặc điểm đó đã sản sinh và kích thích phát triển nghề nấu rượu. Rượu Kim Sơn là rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên với chất men đặc biệt làm từ 36 vị thuốc Bắc, cùng với công thức bí truyền của các hộ gia đình có truyền thống lâu đời về nấu rượu tại địa phương, tạo ra thứ rượu ngon nức tiếng, được xếp vào Top 10 loại rượu ngon nhất Việt Nam. Rượu Kim Sơn mang sắc thái và hương vị rất riêng của vùng đất biển, có cái mạnh mẽ, dữ dội của biển cả, nhưng vẫn giữ được hương vị dịu êm và ngọt ngào như tình mẫu tử bao la mà đất mẹ đã ban tặng cho con người nơi đây. Rượu càng để lâu càng ngon, càng thơm, giá trị rượu càng cao, uống lượng vừa phải sẽ tốt và tăng cường thêm sức khỏe. Du khách có cơ hội nếm thử rượu Kim Sơn có thể cảm nhận được hương vị đồng quê trong từng giọt rượu, cái vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi, rồi râm ran cả vòm miệng làm ta có cảm giác lâng lâng, ngất ngây và bay bổng, cảm nhận được sự lan tỏa ấm áp tình bằng hữu, và thấy mình như đang tận hưởng sự tinh khiết của thiên nhiên.
Bún mọc Kim Sơn
Nếu có dịp ghé thăm nhà thờ đá Phát Diệm, du khách đừng quên thưởng thức món ăn giản dị nhưng không kém phần đậm đà, đó là Bún mọc Kim Sơn. Bún mọc Kim Sơn gồm có bún, mọc, rau sống và nước dùng, thành phần tuy đơn giản nhưng muốn có một tô bún ngon thì người làm bún phải rất kỳ công. Bún làm từ loại gạo tẻ ngon nên sợi dẻo và thơm. Nước dùng ninh từ xương ống cho vị ngọt thanh. Mọc làm từ thịt mông tươi ngon, có thể xay cùng mộc nhĩ và sụn cho viên mọc giòn, ngọt, đậm đà hương vị. Rau sống ăn kèm cũng rất đa dạng với giá, rau chuối thái, húng, ngổ, kinh giới, rau răm… nhờ thế tạo nên hương vị rất đặc trưng. Và cách ăn thì không như những nơi khác, chan nước vào bát to bỏ sẵn bún và mọc mà được để riêng thành từng đĩa, tùy người dùng lựa chọn ăn nhiều, ăn ít, ăn đến đâu lấy đến đó. Hương vị đặc biệt của món ăn là sự tổng hòa của việc thưởng thức ngay khi còn nóng với chút rau sống, sợi bún mềm, dai, vị ngọt thanh của xương hầm, miếng mọc thơm ngon phảng phất mùi nấm hương, mộc nhĩ… tạo nên một mùi vị mới lạ và hấp dẫn cho người thưởng thức. Bún mọc Kim Sơn là món ăn bình dân bởi không cần đến những nhà hàng sang trọng, mà ngay ở những lề đường, góc phố, những chợ quê, ngõ nhỏ… bạn đều có thể thưởng thức bát bún thơm ngon mà chỉ có ăn mới trực tiếp cảm nhận được.
Chạo chân giò
Chạo chân giò là món ăn đặc sản của người dân Kim Sơn thường dùng để đãi khách ở xa về chơi. Đây là món ăn hội tụ đầy đủ cả 5 vị gồm cay, đắng, ngọt, bùi, chua chát. Chế biến món này tuy không khó nhưng muốn thơm ngon tuyệt thì cần có những bí quyết riêng.
Nguyên liệu chính trong món ăn này chính là chân giò lợn. Theo kinh nghiệm làm chạo chân giò lâu năm từ những người dân nơi đây thì chân giò được chọn phải vừa, không to cũng không nhỏ. Sau khi đã chọn được chân giò, công đoạn đầu tiên là thui chân giò bằng rơm cho đến khi thịt chín, có mùi thơm thì sẽ rửa sạch. Rửa sạch củ riềng rồi cắt lát, sau đó để lại một ít còn tất cả đem giã nát. Gọt hết cạnh quả khế, đem rửa rồi cắt miếng thật mỏng. Mè rang thơm vàng và để nguội.Lá chanh, lá đinh lăng, lá sung, rau thơm bạn nhặt kỹ, rửa sạch và để ráo (riêng lá chanh cắt nhỏ). Ớt cắt nhỏ, băm nhuyễn tỏi. bắp chuối cắt nhuyễn. Lấy một chiếc chảo sạch đặt lên bếp, cho riềng và sả vào rồi cho thịt đã thui ở bước sơ chế vào để áp chảo bằng lửa nhỏ tầm 20 phút đến khi thịt chín vàng và ngửi thấy mùi thơm nồng nàn của riềng và sả. Áp chảo xong, để cho thịt nguội rồi cắt thành từng miếng mỏng. Sau khi cắt xong thịt, cho thịt và khế vào âu rồi bóp chung để thịt thấm vị chua từ khế. Tiếp đến, bạn cho riềng đã giã, ớt đã cắt nhỏ vào âu thịt và nêm cho vừa ăn. Cuối cùng cho mè, ít sả. lá chanh đã cắt nhỏ vào chung và trộn lên là có thể dọn ra để bắt đầu thưởng thức với các loại rau đã chuẩn bị (lá sung, đinh lăng, rau thơm, bắp chuối) cùng chén nước mắm chua cay để cảm nhận hương vị tuyệt vời từ món chạo chân giò.
Hương thơm từ sả, riềng phối hợp cùng vị ngọt của thịt, cay của ớt, chua của khế, đắng của lá chanh, bùi của mè từ món chạo chân giờ đảm bảo ăn một lần là sẽ nhớ mãi.
Phạm Giang; Ảnh: Xuân Lâm
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch