Loại bánh này có nguyên liệu đặc biệt từ cốm dẹp, một sản phẩm đặc trưng với nguyên liệu truyền thống của người Khmer, rất dân dã và mộc mạc được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt vào mùa lễ hội ở Trà Vinh.<!—->
Thưởng thức món bánh thật đơn giản nhưng quá trình làm bánh không dễ chút nào. Nguyên liệu và kỹ thuật là hai khâu quan trọng trong quá trình làm bánh. Nguyên liệu tốt phải đi kèm với kỹ thuật gói và nấu bánh khéo léo cộng với những bí quyết riêng sẽ tạo ra một “mẻ” bánh tét cốm dẹp dẻo thơm, béo ngọt rất dễ ăn và bắt khách.
Cốm dẹp là nếp ngon gặt sớm hơn một, hai tuần. Sau khi đem về nhà, người Khmer cho lúa nếp non vào chảo rang trên lửa nhỏ, dùng một đôi đũa tre to bản đảo các hạt nếp cho đều. Khi lúa nếp đã được rang chín, người ta sẽ bỏ vào cối đồng hay cối đá giã đều tay cho đến khi vỏ hạt nếp bong ra, rồi cho vào nia sàng, sảy sạch vỏ trấu, thành cốm dẹp – nguyên liệu chủ yếu của bánh tét cốm dẹp.
Giống như các loại bánh tét truyền thống của người Việt, bánh tét cốm dẹp có thêm nhân giúp bánh ngon hơn. Sau khi đã sàng sảy hết trấu càng, tiếp theo là nạo dừa, thắng nước cốt, bỏ cốm dẹp vào trộn đều, để cốm vài ba phút cho nếp mềm. Đặc biệt muốn cốm dẹp thêm dẻo và ngọt thanh nên cho vào một ít nước dừa tươi.
Nhân bánh tét cốm dẹp thường là đậu xanh, đãi vỏ, nấu nhừ để nguội, thêm đường và một ít va ni tạo mùi thơm rồi đem lên bếp xào, trộn đều cho thật ráo. Sau đó đổ vào mâm, người thợ dùng tay vò nhân vừa bằng nửa cổ tay theo thói quen và tránh gói bánh bằng tay trần, nếu có mùi, bánh sẽ không bảo quản được lâu.
Khi gói bánh tét cốm dẹp, người thợ có thể dùng lá chuối xiêm hoặc lá lùng để gói. Trải lá chuối rồi cho cốm dẹp kèm với nhân vào, gói lại như đòn bánh tét nhưng nhỏ hơn. Để bánh tét không dính vào lá khi nấu, người thợ phải nhúng sơ bánh qua nước cốt dừa một lần nữa rồi gói lại. Bánh vừa không dính lá vừa tăng độ béo thơm khi nấu chín. Đó là bí quyết trong nghề để tạo ra một “mẻ” bánh tét cốm dẹp thơm ngon đặc trưng của người dân Trà Vinh. Họ dùng dây lát hay dây lùng cột bánh lại, buột vừa tay, không quá chặt cũng không quá lỏng, đòn bánh tét cốm dẹp thường không quá to cũng không quá nhỏ. Khi gói xong, người ta cột bánh lại thành từng cặp, thường là tròn chục để tiện buôn bán và làm quà.
Sau khi gói xong, bánh được cho vào nồi hấp cách thủy khoảng nửa giờ. Bánh được nấu chín hoàn toàn từ hơi nước nóng, nếp sẽ nở tự nhiên và khó làm thay đổi hình dạng nhân bánh so với cách nấu ngập nước. Sau khi chín, mở đòn bánh thơm ngào ngạt của nếp, vị béo của nước cốt dừa cộng hưởng với vị bùi của đậu xanh và một ít vani kết hợp nên ăn hoài không ngán, bà con Khmer rất thích ăn món này và có thể dùng thay cơm, dùng trong buổi điểm tâm, hoặc tráng miệng sau các buổi ăn chính. Ngoài việc, bánh rất nhỏ gọn, tiện làm quà cho khách phương xa, bánh còn là thực phẩm rất tốt đối với những người bệnh bao tử vì nguyên liệu chủ yếu của bánh là nếp ngon đầu mùa. Bảo quản vài ngày sau khi bánh chín ở nhiệt độ bình thường, có thể vài tuần nếu bảo quản trong tủ lạnh.
Hãy thưởng thức hương vị dẻo thơm và cùng cảm nhận, trãi nghiệm bánh tét cốm dẹp” khi du khách có dịp về thăm quê hương Trà Vinh./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch