Ðể chế biến được món bánh ngải, đồng bào Tày dùng hai nguyên liệu chính là gạo nếp nương dẻo thơm và rau ngải. Nhà nào cũng trồng ngải trong vườn. Người Tày hái ngọn non, rửa sạch, cho vào nồi luộc. Thường sau khi vớt lá ngải đã luộc thì bà con ở đây sao lá ngải cho khô. Gia đình anh Dương Ðình Hanh, ở thôn Tân Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có ba thế hệ đều thạo làm bánh ngải. Anh chia sẻ: “Khâu quyết định chất lượng của bánh là luộc lá ngải, luộc thế nào cho vừa chín mà lá ngải phải xanh. Khi ăn có vị mát mà không còn chút đắng, chút hăng nào của lá ngải”.
Bánh ngải thơm, dẻo phải sử dụng hoàn toàn loại gạo nếp trồng trên nương. Thời gian ngâm gạo khoảng bốn đến năm giờ. Sau đó đem đi đồ xôi, khi xôi chín thì cho vào cối cùng lá ngải giã nhuyễn để bảo đảm bánh mềm, mịn và dẻo. Tiếp đến là dùng tay nặn thành những chiếc bánh hình tròn hơi dẹt. Trong hai loại bánh ngải, có nhân và không nhân, đối với làm bánh có nhân thì việc chuẩn bị nhân bánh cũng có tính quyết định. Nhân bánh ngải đậm đà thường được làm từ đỗ xanh đồ chín hay lạc băm nhỏ chưng cùng với đường, vừng…
Trước đây, bánh ngải chỉ được người Tày làm trong những dịp lễ, Tết quan trọng, hay làm chủ yếu phục vụ gia đình và tiêu thụ trong diện hẹp. Giờ đây món bánh này được làm phổ biến, trở thành quà tặng ý nghĩa. Anh Dương Ðình Hanh, chủ một trong nhiều homestay thu hút khách du lịch ở huyện Bắc Sơn cho biết: “Mấy năm gần đây, đặc sản này được nhiều khách du lịch ưa thích. Họ ăn thấy ngon và đặt về làm quà cho người thân. Dần dần, nhiều người ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang và một số tỉnh, thành phố khác biết và đặt hàng thường xuyên…”.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch