Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị rót từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài. Theo nhiều người 7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng.
Vịt được thổi phồng và nhúng qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng.
Than nướng vịt phải trộn thứ than củi khô, bén lửa đều thì thịt sẽ không bị ám khói.
Con vịt nóng giãy, bị xẻ làm đôi chỉ bằng đúng một nhát dao. Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, dùng luôn làm nước chấm hoặc tưới lên đĩa thịt. Con dao nhà nghề phập từng nhát một để tạo ra những miếng thịt sắc cạnh, còn nguyên lớp da. Lớp thịt sau da mầu hồng đào, vừa chín tới, mềm và ngọt. Nhưng quyến rũ hơn cả là mùi thơm vô vùng khó tả.
Vịt sau khi quay được chặt nhỏ xếp ra đĩa, da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai. Mỗi khi răng cắn ngập vào miếng thịt, người ta phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt non đầu tháng săn chắc.
Ẩn sâu trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng đậm thịt. Đó là do thứ nước sốt 7 vị được lấy từ trong bụng vịt rưới lên. Những người từng được nếm qua đều đoán già, đoán non rằng trong 7 thứ gia vị ấy, có rất nhiều vị là rễ và lá cây được lấy ở trên rừng. Vì vậy, dù nhiều người muốn học tập cách làm vịt quay của người Cao Bằng, nhưng đều không thể gợi nên được mùi vị đặc trưng ấy./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch