Bánh khảo truyền thống của Cao Bằng được nhiều du khách nước ngoài ưa dùng.
Cao Bằng có nhiều đặc sản nổi tiếng như: hạt dẻ Trùng Khánh; mật ong rừng, cá chiên sông Gâm, cá trầm hương Bản Giốc, lợn quay, bánh trứng kiến, xôi trám đen, bánh dày, nằm khau, xôi ngũ sắc, thịt chua, bánh trôi, phở chua, vịt quay 7 vị, bánh áp chao… Một số món ẩm thực được nhiều du khách mua làm quà, gồm: miến dong, măng khô, lạp sườn, thịt hun khói, bánh khảo… Hầu hết các món ăn được chế biến, phục vụ trực tiếp theo nhu cầu tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh theo công thức, “bí quyết riêng”, tạo điểm nhấn độc đáo của ẩm thực Cao Bằng đối với du khách.
Theo ông Phạm Ngọc Khoa, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ẩm thực Cao Bằng đa dạng, phong phú, thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch. Du khách đến với mỗi vùng đất Cao Bằng ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, còn được thưởng thức các món ẩm thực. Qua ẩm thực, du khách có thể hiểu được nét văn hóa của dân tộc. Đây chính là yếu tố không kém phần quan trọng để quảng bá, thúc đẩy dịch vụ du lịch Cao Bằng phát triển.
Hiện nay, tại Cao Bằng có tour du lịch ẩm thực mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã tạo ấn tượng mạnh đối với du khách, đó là sự kết hợp giữa phố đi bộ – ẩm thực – chợ đêm tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố) diễn ra vào thứ tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần. Du khách được hòa mình vào văn hóa bản địa cũng như thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, như: bánh cuốn, phở vịt, hạt dẻ… và mua các đặc sản: bánh khảo, miến dong, măng khô…
Ông bà Philippe – vợ chồng người Pháp chia sẻ: Cao Bằng có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và ẩm thực đa dạng, độc đáo. Chúng tôi bị cuốn hút bởi các nguyên liệu tươi ngon, sự kết hợp độc đáo trong cách chế biến và hương vị rất riêng mang dấu ấn bản địa của mỗi vùng, miền qua cách chế biến từng món ăn…
Tuy nhiên, trong thực tế ẩm thực địa phương được du khách biết đến khi gắn với khai thác các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Nhiều địa phương, doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc khai thác các sản vật địa phương để phục vụ phát triển du lịch. Song, đánh giá một cách tổng thể thì các sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu Cao Bằng chưa thực sự phát huy được giá trị tương xứng.
Một số sản phẩm được các doanh nghiệp đưa vào phục vụ khách, tuy nhiên cách chế biến chưa mang đặc trưng, sắc thái riêng của Cao Bằng, chưa tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng nói chung, khách du lịch nói riêng. Nguồn cung thực phẩm địa phương được chứng nhận đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Mặt khác, các địa phương còn gặp một số vướng mắc như: Chưa xây dựng được những tour du lịch mà ở đó ẩm thực là điểm nhấn đặc trưng; hầu hết các món ăn đều sản xuất, chế biến theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, tiêu thụ nhỏ lẻ; việc khai thác sản vật đặc sản phụ thuộc trực tiếp vào thời tiết, mùa vụ.
Nhận thức về việc xây dựng ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa thực sự coi việc chế biến, trang trí, giới thiệu về ẩm thực nên chưa hấp dẫn, thu hút du khách; công tác quảng bá, giới thiệu các món ăn chưa được quan tâm thực sự. Món ăn được xem như là “quà tặng” cho kỳ nghỉ của du khách chứ chưa phải là sản phẩm du lịch để du khách tự tìm đến mua làm quà tặng…
Để ẩm thực trở thành đặc sản du lịch, tỉnh cần xây dựng kế hoạch quảng bá dài hạn qua các kênh truyền hình, Internet, các ấn phẩm du lịch… để đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến; nâng cao chất lượng đội ngũ đầu bếp chế biến các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống nhằm hướng tới phục vụ khách du lịch; kết hợp các tour du lịch với khám phá ẩm thực địa phương…
Việc khai thác du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên về ẩm thực hay các tour có lồng ghép học và tập chế biến những món ngon mang đậm bản sắc văn hóa góp phần nâng tầm ẩm thực của địa phương để thu hút đông đảo du khách quốc tế đến với Cao Bằng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch