Nem chua sau khi gói xong được buộc vào thanh gỗ treo trên gác bếp. Ảnh: N.Q
Tôi còn nhớ như in, ngày đưa ông Táo về trời, đêm đó gia đình tôi tất bật để chuẩn bị cho công đoạn gói bánh tét, làm bánh in… khi mọi nguyên liệu đã sẵn sàng.
Thời buổi đó, kinh tế gia đình tôi không dư dả gì, mua được ít thịt heo về ăn tết là vui lắm rồi. Để có món đãi khách đến xông nhà, chúc tết, mẹ thường thẻo cỡ 2 – 3 lạng thịt heo theo tỷ lệ mỡ ít nạt nhiều. Sau đó, mẹ rửa sạch, xắt lát rồi băm nhuyễn, pha ít gia vị muối, tiêu, tỏi, hành tím, bột ngọt, đường, củ riềng băm nhỏ… vào trộn cho thấm đều.
Trước đó, mẹ đã chuẩn bị ít lá chanh, lá ổi tươi, lá chuối và sợi buộc bằng gân lá chuối. Sau khi có đầy đủ nguyên liệu, ba trải từng miếng lá chuối đã cắt sẵn lên chiếc nia, xếp 2 – 3 lá ổi, chanh vào trong lá chuối, bỏ ít thịt heo đã tẩm ướp lên gói lại theo hình trụ, hai đầu tém gọn rất đẹp mắt.
Để thịt không rơi ra ngoài và treo được ở gác bếp, ba dùng sợi lá chuối đã chẻ buộc nem thật chặt. Ba nói: “Muốn nem gác bếp bảo quản được lâu từ 3 – 4 ngày trở lên, hương vị thơm ngon, đòi hỏi phải cẩn thận từ khâu chọn thịt, pha trộn gia vị vừa phải. Lúc treo gác bếp phải tính khoảng cách hợp lý, chỉ lấy hơi nóng của lửa để thịt không chín quá, hoặc cháy sém lá…”
Ngày tết, khách đến chơi, ba thường lấy vài cái nem xuống để làm mồi nhâm nhi cùng với vài ly rượu gạo ở quê. Mùi vị nem chua chín, thấm đều khi ăn cùng với lá ổi, chanh rất thơm ngon.
Hầu như ở quê tôi, nhà nào cũng gói nem chua với số lượng vừa đủ dùng cho ngày tết. Món này thường được gia chủ dành để đãi khách quý.
Phước Hiếu
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch