Bông điên điển là một sản vật đặc biệt của miền Tây chỉ có vào mùa nước nổi
Đến hẹn lại lên, nước từ biển hồ Tonle Sap lại đổ về lưu vực hạ nguồn sông Mekong để miền Tây lại vào mùa lũ. <!—->
Mùa lũ miền Tây được các cư dân ở đây rất nóng lòng chờ đợi và gọi bằng một cái tên rất dân dã – mùa nước nổi. Mùa nước đem tôm cá cho những bữa cơm của người dân, đem phù sa cho đồng ruộng, đó cũng là mùa thu hút khách du lịch khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp và khám phá cuộc sống thường nhật.
Người dân ở vùng này đa phần cũng sống nhờ vào nghề chài lưới, họ sinh ra từ sông nước, lớn lên cũng nhờ vào những con nước của mùa lũ
Mùa nước nổi hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt nguồn từ khoảng tháng 9 đến tháng 11, nước lũ từ thượng nguồn ồ ạt đổ về phía hạ lưu rồi ra biển lớn. Hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp ở đầu nguồn, là nơi đón lũ về sớm nhất.
Người miền Tây nói chung, bao đời nay đã quen với việc con nước lớn đổ về mỗi độ giao mùa, khi lúa vụ Hè Thu vừa gặt phơi xong, khi những cơn mưa mùa Hè bắt đầu ngừng hạt, cũng vừa lúc mùa nước nổi lại về.
Đó là những ngày rong ruổi sau khoảng thời gian chỉ biết đến công việc và công việc. Tôi lại bắt đầu hành trình của mình từ Châu Đốc để khám phá đất An Giang còn nhiều bí ẩn.
Những sản vật đặc biệt của mùa nước nổi chỉ có ở miền Tây
Bỏ lại sau lưng những email, những cú điện thoại công việc, tôi chỉ biết trước mặt tôi là những ngày được lang thang dọc theo sông nước miền Tây, được hít khí trời tươi nguyên, được sống cùng bà con mùa lũ.
An Giang, miền đất Bảy Núi có rừng tràm Trà Sư với muôn loài chim trời, có hồ nước trời Búng Bình Thiên mênh mông sắc vàng điên điển, có chợ nổi Long Xuyên náo nhiệt đông vui, có hồ Tà Pạ trong vắt với đá dựng lởm chởm.
Còn rất rất nhiều những nơi khác nữa, mỗi nơi tôi đến đều mang trong mình những sắc màu khác nhau của cuộc sống nơi đây. Cuộc sống bình dị của những người dân quanh năm sống chung với sông nước, với từng cơn lũ./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch