Cua là món ăn dân dã vốn chỉ là món ăn của người nghèo miệt đồng. Còn bây giờ, thịt cua giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường được nhiều bà nội trợ và các nhà hàng biến tấu thành nhiều món ngon, bổ dưỡng.<!—->
Ngoài việc sử dụng càng, thịt, nhiều người còn chế biến riêu cua để bán ra thị trường như một đặc sản. Riêu cua có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như bún riêu cua, canh cua, cháo cua… độc đáo nhất là lẩu cua đồng. Món lẩu cua tuy là món món ăn quen thuộc nhưng mỗi nơi, mỗi người đều có cách chăm chút tỉ mẩn khác nhau nhằm nâng cao chất lượng, giúp thực khách càng ăn càng khám phá ra nhiều điều thú vị.
Muốn món lẩu cua đồng đạt mức tuyệt hảo, nồi nước lẩu ở các hàng quán còn được tinh lọc từ xương heo hoặc thịt gà, cộng thêm một số rau quả tạo vị ngọt đậm đà, tự nhiên và mùi vị đặc trưng. Một vài nơi chế biến món lẩu cua rất cầu kỳ, như dùng riêu cua dồn vào mai cua, vào cọng rau muống, đậu bắp, rau ngổ… giúp người ăn thấy lạ miệng, thú vị.
Có thể coi lẩu cua đồng như một món canh ăn kèm với cơm, nhưng ở hàng quá thường ăn lẩu kèm bánh đa hoặc bún. Dù thưởng thức cách nào, món lẩu cua đồng vẫn là món ngon, hương vị lạ, hấp dẫn. Dân sành thì điệu coi đây là món “lai rai” hết ý.
Ngoài cua và hải sản, lẩu cua đồng không thể thiếu các loại rau, củ, quả nhưng phải là loại rau bình dị, thân quen và ngọt lành mới đúng điệu. Tuyệt nhất là mồng tơi, rau dền, rau cần nước, cải trời, tía tô, bầu, mướp, bông bí, điên điển, lục bình… và các loại nấm. Không chỉ kích thích vị giác, chúng còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch