Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn – Mù Cang Chải có từ lâu đời. Những hạt thóc vàng kết tinh sự cần mẫn và sáng tạo của người Mông chính là nguyên liệu quý để làm ra rượu thóc – một đặc sản riêng có của người Mông nơi đây. Họ có bí quyết để làm men rượu trở nên đặc biệt. Men để làm ra sản phẩm rượu thóc phải là men lá. Không giống với những loại men nấu rượu khác nó được đặc chế rất công phu, mất nhiều công sức đòi hỏi phải có sự khéo léo, tinh tế thì mới đạt chất lượng. Men lá được đồng bào tổng hợp từ 15 loại cây, hội tụ đủ các vị thảo dược của núi rừng như: hạt thảo quả, rễ cây ớt rừng, củ riềng… Được chọn theo bí quyết gia truyền chỉ có những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình mới biết và mới có thể chế biến những vị thảo dược thành thứ men lá để ủ thứ rượu rất riêng của mình. Những loại này khi ủ thành men sẽ tạo thành những vị thuốc quý như: phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, không gây đau đầu.<!—->
Để làm nên sản phẩm rượu ngon ngoài những nguyên liệu chính trên, thì những dụng cụ khác không thể thiếu trong quy trình nấu rượu như: bếp lò được đắp bằng đất nung; thùng đun cách thuỷ làm bằng lõi cây gỗ quý lấy ở trên rừng, có đường kính khoảng 60 – 70cm, chiều cao khoảng 01m có thể chứa được 30kg thóc mỗi lần; sàng để đổ thóc lên trên khi đun cách thủy; ống nứa để dẫn những giọt rượu sau khi được tiết chế; chảo đựng nước đun cách thuỷ được làm bằng gang, có đường kính khoảng 01m.
Đồng bào nấu rượu bằng phương thức thủ công, trải qua nhiều công đoạn và cũng phải tuỳ thuộc vào thời tiết nắng, mưa, khô, ẩm khác nhau để cho ra rượu có chất lượng. Khâu đầu tiên trong quy trình nấu rượu của đồng bào Mông La Pán Tẩn là ủ men. Những loại lá cây, hạt cây rừng để làm men phải rửa sạch, sấy hoặc phơi khô, sau đó đem giã thành bột mịn, trộn với nước nặn thành viên nhỏ như viên bi và sấy khô trên gác bếp. Thời gian ủ men lá cũng phải dựa vào thời tiết, nếu trời lạnh có khi phải hàng tháng mới được.
Thóc để nấu rượu được đồng bào lấy từ trên những thửa ruộng bậc thang và có sự chọn lọc những hạt chín vàng, chắc, đều nhau. Thóc được đồng bào đổ vào nồi luộc chín, sau đó vớt ra rải đều trên mặt lá chuối tươi để đến khi nguội, trộn đều với men cho vào chum ủ kín. Theo kinh nghiệm của đồng bào thì việc ủ rượu là khâu rất quan trọng, thường thì ủ từ 10 đến 15 ngày, nhưng nếu ủ được càng lâu và đủ 1 tháng thì rượu lại càng ngon.
Điểm khác biệt trong khi nấu là người thợ dùng một chiếc sàng có lỗ nhỏ đặt trên mặt nồi hoặc chảo đựng nước. Sau đó đổ đầy nguyên liệu nấu rượu lên kín mặt sàng, không để nguyên liệu lọt xuống dưới nồi, chõ nấu trên mặt nồi (chảo) bao kín mặt sàng nguyên liệu. Đây là nấu cách thuỷ, hơi nước đun sôi trong nồi (chảo) bốc lên ngùn ngụt thấm vào nguyên liệu trên mặt sàng kết đọng nên những giọt rượu quý chảy vào nồi hứng rượu. Nồng độ rượu đạt từ 40 – 45 độ. Rượu được trưng cách thuỷ hai lần, lần thứ nhất là khử tạp và lọc cốt, lần thứ hai làm lạnh bằng những lá thơm của núi rừng. Với quy trình nấu phải trải qua một thời gian dài và công phu nên rượu thóc La Pán Tẩn có hương vị rất đặc trưng, có mùi ngai ngái hương rừng hòa quyện với hương thóc nương, thơm, dịu, dù nồng độ cao nhưng khi uống rất ngon, uống say mà vẫn sảng khoái, nhẹ nhõm mà không gây đau đầu như những thứ rượu khác. Khi uống vào buổi sáng sẽ khiến cho con người như có thêm sức mạnh ở hai vai nên làm lụng cả ngày không hề mệt mỏi. Uống vào buổi tối sẽ có một giấc ngủ ngon, khi tỉnh dậy sẽ thấy tỉnh táo,da đỏ hồng hào.
Với quan niệm rượu là hương của trời, của đất nên trước đây đồng bào chỉ dùng để cúng bái trời đất tổ tiên, lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và để đãi bạn hiền. Còn hiện nay, được sự hỗ trợ bảo tồn nghề truyền thống của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghề nấu rượu thóc của đồng bào La Pán Tẩn đã từng bước được phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch. Đã có không ít du khách khi ghé thăm nơi đây đặc biệt có những vị khách là người nước ngoài cũng đã mua rượu thóc La Pán Tẩn mang về như một món quà dành tặng cho bạn bè và người thân. Quý vị và các bạn khi ghé thăm Yên Bái hãy nhớ đến với đồng bào Mông La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải nhâm nhi một chén rượu thóc để cảm nhận thêm về hương vị độc đáo của loại đặc sản này.
Có thể nói rằng với uy tín và chất lượng rượu ngon số một trong vùng rượu La Pán Tẩn sẽ ngày càng mở rộng thêm thị trường được nhiều khách hàng biết đến nhiều hơn nữa giúp cho nghề nấu rượu ở La Pán Tẩn thêm phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo và gìn giữ thương hiệu cho loại rượu quý này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch