Cơ sở sản xuất bánh sắn Chiến Tú, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cung cấp cho thị trường trung bình khoảng 30.000 chiếc/tháng mang lại doanh thu trên 130 triệu đồng.
Một trong những vùng đất có truyền thống và hiện có tới hàng chục hộ đang hành nghề làm bánh sắn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh vài chục nghìn chiếc bánh sắn là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đến cổng đền Mẫu Âu Cơ, du khách sẽ bắt gặp các điểm bán hàng, sắp lễ đều giới thiệu món bánh sắn truyền thống của vùng đất giàu truyền thống này. Chị Lăng Thị Minh Tú, chủ cơ sở sản xuất bánh sắn ở xã Hiền Lương chia sẻ: Khoảng bốn, năm năm trở lại đây, nhiều người khi về viếng thăm đền Mẫu thường hay hỏi và muốn mua bánh sắn để làm quà. Vốn gia đình tôi có nghề làm bánh sắn nên tôi quyết định làm các loại bánh sắn nhân mặn và ngọt để bán.Cũng theo chị Tú cho biết: Bánh sắn nhân ngọt thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng,… Còn bánh sắn nhân mặn thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ. Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau cho món ăn nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ. Bánh sau khi làm nếu khách ăn tại chỗ sẽ được hấp chín còn bánh sống sẽ được đóng 20 chiếc/hộp, hút chân không để tiện cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa. Giá của bánh sắn nhân ngọt là 2.000 đồng/chiếc; nhân mặn là 5.000 đồng/chiếc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở xã Hiền Lương có hơn chục hộ làm bánh sắn, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 7.000-8.000 chiếc, trong đó riêng cơ sở sản xuất bánh sắn của gia đình chị Tú đạt khoảng 1.000-1.200 chiếc bánh, lúc cao điểm vào lễ hội, có ngày cơ sở của chị tiêu thụ được trên 3.000 chiếc. Bánh sắn Hiền Lương không chỉ bán tại chỗ mà đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Đà Nẵng, Hải Dương… Chị Dương Thị Bích, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết: Cách đây một thời gian, tôi được một người bạn quê Phú Thọ biếu ít bánh sắn ăn thử và bị chinh phục bởi món ăn này bởi hương vị rất riêng của nó. Nhân dịp hành hương về đền Mẫu, tôi mua và đem về mời mọi người xung quanh ăn thử, hầu như ai cũng thích. Vốn hành nghề kinh doanh online nên tôi đã liên hệ và phối hợp với cơ sở Chiến Tú để bán thêm mặt hàng này. Hiện trung bình mỗi ngày tôi có thể bán từ 300-400 cái.
Nhận thấy đây là một sản phẩm đặc trưng riêng của vùng đất Hiền Lương, còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, nguồn nguyên liệu dồi dào và sẵn có ngay tại địa phương, UBND huyện Hạ Hòa đã giao cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cơ sở Chiến Tú thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Chiến Tú, hướng dẫn họ xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bánh sắn là sản phẩm OCOP. Đồng thời thu hút thêm các hộ cùng làm nghề để thuận tiện trong quản lý, sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Văn Thanh Quân, Trưởng phòng NN & PTNT cho biết: So với các sản phẩm OCOP khác như chè, trái cây… thì sản phẩm bánh sắn là sản phẩm có tính chất đặc thù của địa phương; nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào; cơ hội mở rộng thị trường rất lớn. Xây dựng thành công OCOP cho bánh sắn góp phần đa dạng hóa sản xuất ở khu vực nông thôn, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xây dựng thành công xã NTM nâng cao.
Quân Lâm
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch