Gia đình chị Lê Thị Sinh, ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn đã có gần 30 năm làm bún dây. Các công đoạn làm bún dây có vẻ đơn giản, nhưng để có được sợi bún thơm, dai, đặc biệt là có màu vàng nhạt đẹp mắt là điều không hề dễ dàng.
Chị Sinh cho biết, để bánh ngon thì phải chọn gạo cũ, đem ngâm nước, lọc rồi phơi cho khô, sau đó trộn với nước tro đã được lọc kỹ, sau đó đem xay với gạo, đáng lưu ý, đây phải là loại tro than để không bị lẫn tạp chất. Nhờ có nước tro mà bánh mới có màu vàng đặc trưng cũng như độ dai, đồng thời giữ bánh lâu mà không bị hư. Tiếp đó đưa vào lò lửa khuấy bột, việc này phải làm bằng tay liên tục cho đến khi bột chín đều.
Khi khuấy bột xong thì đem ra nhào và bỏ vào khuôn, ép ra những sợi nhỏ trên những vỉ bánh, công đoạn này phải lặp lại 2 lần để cho bột thật mịn, sau đó đem đi hấp cách thủy khoảng 10 đến 15 phút.
Sau khi để nguội sợi bánh có màu vàng nhạt tự nhiên nhờ nước tro tạo nên, vì vậy bún dây còn có tên gọi dân gian là bún nước tro.
Sợi bún dây dai, vị thơm giòn của đậu phộng được ăn kèm với rau sống. Nước chấm được pha chế từ đường, nước mắm cộng thêm các gia vị như ớt, chanh, tỏi… tạo nên vị đậm đà không quá mặn, hơi ngọt sẽ mang đến cho thực khách một cảm giác khó quên, để rồi đây sẽ là món ăn không thể bỏ qua khi có dịp ghé qua Hoài Nhơn./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch