Bánh tét ba màu Trà Cuôn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một số làng nghề nổi tiếng mang nét riêng của miền Tây phải kể đến là nghề tranh kiếng ở tỉnh An Giang, bánh tét Trà Cuôn ở tỉnh Trà Vinh và nghề dệt choàng Long Khánh A tỉnh Đồng Tháp.
Rộn ràng mùa Tết
Bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, để cúng ông bà. Bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh ngon nổi tiếng, mới đây đã được vinh danh vào tốp ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Những người thợ làng nghề bánh tét Trà Cuôn chế biến các sản phẩm có hương vị thơm ngon riêng biệt, được người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước ưa chuộng.
Nghề gói bánh tét truyền thống được giữ gìn, truyền qua nhiều thế hệ. Làng nghề có khoảng 20 cơ sở, bình quân mỗi cơ sở cung ứng ra thị trường 200 đến 300 đòn bánh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Việc gìn giữ, phát triển nghề gói bánh truyền thống của tỉnh Trà Vinh đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, cơ sở kinh doanh Hai Lý thông tin, những ngày giáp Tết, người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng bánh tét ba màu, bánh tét bồ ngót, bánh tét Tứ Quý là các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Hằng ngày, cơ sở bánh tét của hộ kinh doanh Hai Lý cung ứng ra thị trường khoảng 300-500 đòn bánh tét, giá bán 50.000-170.000 đồng/đòn tùy loại. Nguyên liệu để chế biến bánh gồm nếp sáp, đậu xanh, chuối, thịt mỡ, lá ngót; sản phẩm có hương vị thơm ngon tự nhiên, không phẩm màu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong những ngày giáp Tết, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 đòn bánh tét/ngày, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương.
Anh Trần Nhật Quang, ngụ thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Trong đợt đến tham quan du lịch tỉnh Trà Vinh, gia đình anh được trải nghiệm tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn; mua bánh tét về để ăn và làm quà biếu cho người thân. Bánh tét Trà Cuôn rất ngon, hợp với khẩu vị gia đình nên cứ mỗi dịp lễ, Tết anh đều đặt mua. Theo phong tục tập quán của người dân Nam Bộ, vào những ngày Tết Nguyên đán, mỗi gia đình đều làm mâm cơm để thực hiện nghi lễ thờ cúng ông bà, tổ tiên với các món ăn truyền thống, bình dị mang đặc trưng Nam Bộ như: Thịt kho rệu, bánh mứt, trái cây.
Những ngày này, về làng nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thấy rõ cảnh tất bật, hối hả đẩy mạnh sản xuất để cung ứng thị trường mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Chị Ngô Thị Thúy Hằng, chủ cơ sở dệt choàng Thúy Hằng cho biết: Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã Dệt choàng Long Khánh cung cấp hơn 2.000 sản phẩm ra thị trường. Vào dịp Tết, các đơn đặt hàng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bình thường nên các cơ sở dệt choàng đang ngày đêm hoạt động hết công suất để kịp thời đáp ứng các đơn hàng trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tùy vào kích thước và mẫu mã, mỗi chiếc khăn choàng có giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến gần 150.000 đồng; bình quân một ngày thuê thợ dệt được khoảng 150 chiếc khăn choàng. Các đơn hàng bán lẻ ít, giao sỉ nhiều. Tùy theo loại khăn thêu lớn nhỏ, chất liệu mà có giá bán từ 25.000 đến 150.000 đồng/sản phẩm. Khoảng một tuần nay, cơ sở nhận được gần 50 đơn hàng sỉ và lẻ với gần 1.400 khăn choàng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự Huỳnh Văn Tài cho biết: Những ngày cận Tết, làng nghề rất nhộn nhịp. Đặc biệt, vào chủ nhật hằng tuần có nhiều du khách đến tham quan, mua sắm tại những khu trưng bày sản phẩm, trải nghiệm dệt choàng khiến cho làng nghề đã nhộn nhịp lại càng vui tươi hơn.
Khi gió xuân về cũng là lúc chợ Bà Vệ, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới (An Giang) sôi động làm tranh kiếng. Các thợ, thầy, người vẽ tranh, người tách nét tranh, phối màu, kéo khuôn lụa hoặc đóng gói tranh giao cho mối lái. Nghề làm tranh kiếng đòi hỏi thợ tách (là thợ chính) tay nghề phải khéo léo và trí tưởng tượng phong phú để cho ra đời nhiều dòng tranh đặc sắc, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, nghề vẽ tranh trên kiếng khác với vẽ tranh thông thường; thợ vẽ tranh kiếng phải vẽ ngược, tức là chi tiết nào vẽ sau lại vẽ trước. Còn thợ sơn công việc đơn giản hơn, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh. Chính vì vậy, tranh kiếng Bà Vệ “độc quyền” vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm đi tới khắp các vùng quê ở các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Thanh Hòa sống bằng nghề tranh kiếng hơn 40 năm cho biết, làng nghề làm suốt năm, lúc bình thường mỗi tháng đưa ra thị trường vài chục đến 300 bức tranh, nhưng mùa Tết mỗi cơ sở làm từ 800 đến 1.000 bức. Tùy theo yêu cầu của khách mà các thợ làm ra tranh kiếng có giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng một tấm.
Các tranh kiếng đủ màu sắc, thể loại như cảnh núi non, làng quê, tiên, Phật… khổ lớn; đặt trang trọng trong tiền sảnh, bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra còn có các tranh treo cửa buồng như: long phụng, Thoại Khanh-Châu Tuấn, Mỵ Châu-Trọng Thủy, Phạm Công-Cúc Hoa…
Giữ lửa làng nghề
Các thợ, thầy đã nghiên cứu gia công mẫu mã sản phẩm, tìm tòi thị trường. Một thợ làm bánh tét Trà Cuôn lâu đời cho biết, bí quyết để làm nên danh tiếng đặc sản bánh tét Trà Cuôn là khâu chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh, cách gói và nấu bánh. Cách làm bánh được các nghệ nhân ẩm thực biến tấu, sáng tạo từ loại bánh đậu mỡ truyền thống.
Nguyên liệu chế biến thường được chọn loại nếp sáp thơm ngon, đậu xanh được tách vỏ, hấp chín, tán nhuyễn, thịt mỡ ba rọi ướp gia vị vừa ăn. Cơ sở bánh tét của hộ kinh doanh Hai Lý cho biết, luôn coi trọng khâu thiết kế bao bì, nhãn hiệu, áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tích cực tham gia các sự kiện lễ hội, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đòn bánh tét có vị ngon phong phú hơn, các thợ làm bánh bổ sung thêm một số nguyên liệu như trứng muối, tôm khô, lạp xưởng. Bánh tét thường có màu trắng của nếp sáp, khi người thợ cho thêm nước cốt lá cẩm, bánh có màu tím; nước cốt trái gấc thì bánh có màu đỏ; nước cốt lá bồ ngót thì bánh có màu xanh. Người thợ làm bánh đã sáng tạo thêm màu sắc cho những đòn bánh để sản phẩm trông bắt mắt, hấp dẫn hơn.
Hình thành từ hơn 100 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt choàng Long Khánh A vẫn duy trì cho đến nay. Hiện có hơn 60 hộ làm nghề với gần 150 khung dệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Hằng năm, làng nghề sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại. Người dân nơi đây đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Chiếc khăn choàng không chỉ có các màu đen, nâu mà còn thêu trên đó hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp như hoa sen, sếu đầu đỏ… Các hộ cũng đã cách tân, biến khăn choàng thành sản phẩm mới lạ, độc đáo như áo dài, áo bà ba, túi… Chiếc khăn choàng vừa là sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân, vừa là quà tặng du lịch đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Ông Nguyễn Thanh Hòa ở làng nghề tranh kiếng Bà Vệ, tỉnh An Giang nhẩm tính, làng nghề có tuổi đời đã hơn 100 năm. Lúc cực thịnh, chợ Bà Vệ sôi động với hàng trăm hộ làm tranh kiếng. Tranh kiếng với các hình vẽ, câu chữ có ý nghĩa giáo dục đạo lý làm người, hướng con người tới sống hòa thuận, yêu thương cùng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh; các vùng nông thôn rất thích. Tranh được treo trong những căn nhà sàn, rất trang trọng, trên bàn thờ nhìn thêm trang nghiêm.
Từ khi vùng nông thôn xây cất nhà tường, lượng tiêu thụ tranh kiếng giảm hẳn đi, làng nghề lừng danh một thời với hàng trăm thợ tài hoa nay chỉ còn lác đác vài người sống với nghề xưa. Nhưng những đô thị, thị tứ lại quan tâm chú ý đến tranh kiếng, mua về treo nên làng nghề vẫn còn duy trì. Gần đây, nước bạn Campuchia cũng tiêu thụ tranh kiếng, đây là tín hiệu vui cho những người gắn bó với làng nghề.
Nếu như trước kia người dân mua tranh để treo lên cho căn nhà, tiền sảnh thêm trang nghiêm thì bây giờ giới trẻ lại thích thú, quan tâm mua tranh theo sở thích, treo để trang trí phòng ở, phòng khách, phòng thờ. Và như thế, những người thợ tranh càng tâm huyết, thêm “công phu” cho ra đời nhiều tranh kiếng đủ thể loại, màu sắc để nuôi giữ ngọn lửa đam mê với nghề truyền thống độc đáo của một vùng sông nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết, thấy được khó khăn của các làng nghề truyền thống trong hướng phát triển, cho nên Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chợ Mới đã khảo sát, lấy ý kiến quy hoạch khu làng nghề tập trung để từ đó thực hiện các giải pháp, tranh thủ nguồn vốn từ cấp trên để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy làng nghề phát triển.
Bài và ảnh: Văn Khởi, Thanh Dũng, Hữu Nghĩa
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch