Về Bản Chang, xã Đình Minh những ngày đầu thu này, ai cũng cảm thấy xốn xang bởi âm thanh những nhịp chày đều đặn, êm êm, vị ngọt thơm lan tỏa của cốm rang cùng sự rộn ràng của người mua, người bán. Cốm Bản Chang có từ bao giờ, người dân nơi đây không ai còn nhớ nữa, chỉ biết rằng làm cốm đã có từ rất lâu. Hiện nay, đa số các hộ trong xóm đều làm cốm để bán.
Để có được những mẻ cốm màu xanh, thơm, ngọt đượm và dẻo theo phương pháp truyền thống cũng khá kỳ công. Khi lúa còn non, hạt vừa chớm mẩy và căng sữa là thời điểm thích hợp nhất để gặt lúa về làm cốm thì mới có vị thơm, độ dẻo và ngọt. Phải dậy từ sáng sớm để ra ruộng chọn gặt những bông lúa to, mẩy đều. Hạt lúa non sau khi rang, để nguội, được đưa vào cối giã, dùng chày gỗ giã nhẹ tay nhưng phải nhanh, đều thì hạt cốm mới xanh, dẻo. Sau một lượt giã cho bật lớp vỏ trấu bên ngoài, lại cho vào cối giã tiếp, giã đủ 7 lần, sảy 7 lần mới được cốm ngon. Sau khi giã, sàng sảy, nhặt hết lớp vỏ bên ngoài chỉ để lại những hạt gạo nếp màu xanh non, cốm được gói bằng lá chuối hoặc lá dong để giữ cho cốm không bị khô và thấm hương của lá vào cốm.
Cũng từ những hạt cốm đó, người dân chế biến ra các món ăn độc đáo như xôi cốm, bánh cốm, bánh coóc mò (tiếng địa phương), chả cốm, chè cốm… Nhiều người thích ăn cốm để thưởng thức cái mùi thơm phức của lúa mới, cái tươi mát của lá non, có người lại cho thêm ít đỗ tương, hạt dẻ… để ăn kèm tạo vị bùi bùi khi hòa quyện với nhau.
Thưởng thức món cốm trong cái se lạnh của mùa thu, hương lúa non phảng phất quyến rũ lạ kỳ, cảm nhận vị ngọt đậm đà, dẻo quyện và vô cùng gần gũi, thanh đạm. Cuộc sống ngày một nhiều loại bánh, đồ ăn thức uống mới lạ, nhưng cốm vẫn là món quà được lựa chọn của nhiều người. Và hương cốm vẫn luôn làm xốn xang bao trái tim mỗi độ thu về./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch