Hiếm có món ăn nào thể hiện hết được sự tinh túy của hạt gạo Việt Nam như món cơm cháy Ninh Bình. Không khoa trương, biến tấu, cơm cháy Ninh Bình trước sau chỉ dùng chính hạt gạo nguyên chất để thể hiện giá trị “ngọc thực” của chính nó.
<!—->
Cơm cháy ngon phải được làm theo phương pháp thủ công, gia truyền và trong quá trình làm đòi hỏi thời gian, sự kỳ công của người thợ từ khâu chọn gạo, nấu chín, làm nước sốt đến thưởng thức món ăn. Nguyên liệu làm cơm cháy là gạo tẻ thơm, hạt trắng đều. Gạo được vo sạch, đổ vào nồi đồng hoặc nồi gang có đế dày, tra lượng nước vừa đủ như nấu cơm thông thường để cơm chín có độ xốp dẻo. Cơm chín tỏa mùi thơm thì lấy ra dát mỏng trên chảo gang dày khoảng 0,5 cm, kích thước 10 cm x 15 cm, bắc lên bếp tiếp tục xoay tròn nồi khoảng 15 – 20 phút, duy trì nhiệt độ ổn định cho tới khi cơm khô, một mặt trắng tinh của hạt cơm, một mặt có mầu vàng rơm để khi nhìn thấy người ta liên tưởng đến đồng lúa đang vào mùa chín vàng rộ là được. Nấu cơm là giai đoạn quan trọng nhất. Khi cơm đủ độ dẻo, cháy mới mềm, ngon.
Sau khi tạo cháy, lấy ra sấy hoặc phơi khô, bảo quản trong túi nilon đặt nơi khô, thoáng. Khi nào ăn thì đem ra chiên giòn. Dầu ăn hoặc mỡ lợn được đổ vào chảo đun sôi sau đó thả cơm cháy vào. Lượng dầu ăn phải đủ ngập cơm cháy cần chiên. Chiên cho tới khi miếng cơm cháy nổi trên mặt chảo dầu thì vớt ra, lúc này cơm cháy mới bảo đảm độ xốp, giòn và thơm nhất. Cơm cháy có nhiều cách ăn. Nhưng ăn khi nóng và chan với nước sốt tim cật lợn hoặc nước sốt thịt dê núi Ninh Bình vẫn là ngon nhất. Làm nước sốt cũng cần phải có kỹ thuật. Thông thường, tim, cật lợn được nấu cùng một số loại rau như hành tây, nấm rơm, nấm hương, đậu Hà Lan, cà rốt, cà chua để tạo vị cay, thơm của nước sốt. Đặc biệt chế biến phải khéo léo gia giảm lượng vừa đủ bột đao để nước sốt có độ sánh ngấm vào miếng cháy. Thịt dê nấu dựa mận hoặc dê om mẻ được cho là món ăn đi kèm phù hợp và ngon hơn cùng cơm cháy, vì thịt dê ít béo nên khi ăn cùng cơm cháy có cảm giác đỡ ngán, khiến ai đã một lần thưởng thức thường không dễ quên.
Khi ăn, thực khách cho cơm cháy vào bát rồi chan nước sốt tim cật còn nóng vào, tạo tiếng sôi “xèo xèo”, mùi hương thơm ngậy, cơm cháy giòn tan, nóng sốt, thật hấp dẫn, đậm đà khó quên.
Cơm cháy Ninh Bình không chỉ đơn giản là một món ăn mà nó còn là nét tinh túy trong văn hóa ẩm thực của người dân đất Cố đô theo suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Với sự độc đáo trong cách chế biến và hương vị tuyệt hảo, riêng biệt, cơm cháy xứng đáng được công nhận “Giá trị ẩm thực châu Á”, góp phần tôn vinh hạt gạo Việt và khẳng định những giá trị về văn hoá ẩm thực của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch