Một buổi sáng thức dậy sớm để theo thuyền đi chợ nổi Cái Răng, những ghe bán đồ ăn với tô bún nước lèo, hủ tiếu thơm lừng bên nồi nước dùng sôi sục xuất hiện bên thuyền đánh thức mọi giác quan, khiến ai nấy đều muốn thử một lần được thưởng thức giữa lênh đênh sông nước. Cách chợ không xa, rất nhiều lò hủ tiếu cũng đã nổi lửa từ lúc bốn, năm giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày tất bật.
Ở Cần Thơ, những lò hủ tiếu không chỉ là nơi sản xuất mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn, nơi du khách được tận mắt nhìn cách làm, tận tay thực hiện và tận hưởng hương vị hấp dẫn với những “phiên bản” hủ tiếu mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. Vì thế, sau khi đi chợ nổi, nhiều du khách đã theo thuyền tới những gia đình làm hủ tiếu để tìm hiểu về nghề truyền thống.
Điểm chung ở các lò hủ tiếu tại đây đều là những không gian sản xuất thoáng rộng nằm ngay bên bờ sông. Nhiều nhà làm hủ tiếu giữ được khung cảnh truyền thống, từ những gian bếp lợp lá dừa, bếp lò đắp đất cao để đặt những nồi hấp bánh, sân vườn ngập nắng để phơi bánh tráng được thơm tới những dụng cụ làm nghề từ lâu đời như cối xay, gáo dừa, nan tre để phơi bánh… được giữ lại như kỷ vật gia truyền mà cha ông để lại.
Mỗi ngày, việc đầu tiên mà những gia đình làm là nhóm bếp, bắc nồi đun nước. Suốt bao năm, những gian bếp luôn đỏ lửa báo hiệu cho một ngày tất bật, từ vo gạo, ngâm, xay, quậy đều trong nước, tráng, phơi bánh, cắt sợi hủ tiếu… Đây cũng là nơi du khách thường muốn trải nghiệm, được đứng bếp và thử tráng bánh như những nghệ nhân lành nghề.
Không chỉ là nơi sản xuất, mỗi lò hủ tiếu là không gian để những người dân đất Tây Đô khoe sự khéo léo, sáng tạo của mình với việc giới thiệu những món ăn. Độc đáo nhất là “pizza” hủ tiếu trở thành món ăn nhất định phải thử khi đến Cần Thơ.
Bài & ảnh: Nguyễn Lê
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch