Sản phẩm cửa hàng Gốm Minh (Bát Tràng).
Sức sống mới
Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) – một trong những làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội cũng như khắp cả nước với sản phẩm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ. Hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng sụt giảm. Nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn do lượng đơn hàng ngưng trệ, không tiêu thụ được.
Nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng miệt mài làm việc, phục hồi hoạt động sản xuất.
Trở về Bát Tràng vào những ngày tháng 5/2022, không khí sản xuất, kinh doanh đã khác hẳn so với nhiều tháng trước. Cơ sở sản xuất gốm sứ Tuấn Anh – Vân Anh hiện có 17 công nhân làm việc, thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang khi tham gia sản xuất.
“Dịch bệnh cũng giúp cơ sở linh hoạt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước kia, khách thường đến trực tiếp cửa hàng để xem, nhưng giờ đây cơ sở chúng tôi chú trọng việc dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm”, anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ cơ sở cho biết.
Tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), không khí khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19 cũng đã tấp nập. Bà Quảng Thị Loan, chủ xưởng may lụa Loan Hùng cho biết, trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, các đơn hàng liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn cơ sở phải đóng cửa để phòng, chống dịch. Ngay sau khi Hà Nội thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cơ sở đã bắt tay vào làm việc, trước mắt là giải quyết khối lượng đơn hàng còn tồn đọng.
Còn theo nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, nắm bắt được nhu cầu mua sắm của người dân cũng như hướng tới các sự kiện quan trọng như chào đón SEA Games 31, các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị các sản phẩm với mẫu mã mới để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Các thợ thủ công làng nghề Từ Vân (Thường Tín) may cờ, băng rôn chuẩn bị cho SEA Games 31.
Một làng nghề nổi tiếng khác của Hà Nội cũng cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ sau dịch, đó là làng Từ Vân, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) – nổi tiếng với việc chuyên may cờ Tổ quốc. Trong thời gian SEA Games 31 diễn ra, các gia đình tại làng nghề hối hả sản xuất cờ Tổ quốc, cờ vẫy, băng rôn để cung ứng cho thị trường.
Tại xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Quang Phục, không khí làm việc tất bật từ sáng đến tối. “SEA Games 31 là sự kiện thể thao lớn nên xưởng chúng tôi làm hết công suất mà vẫn không kịp đơn hàng để giao”, ông Phục chia sẻ.
Lễ hội Quà tặng du lịch năm 2022 thu hút đông đảo khách tham quan tại các gian hàng làng nghề truyền thống.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Hưởng ứng SEA Games 31, thành phố Hà Nội liên tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá, thu hút du lịch như: Lễ hội quà tặng du lịch 2022 do Sở Du lịch tổ chức (diễn ra dịp nghỉ lễ 30/4); Lễ hội du lịch 2022 (từ ngày 13 đến 15/5); Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề 2022 (từ ngày 19 đến 23/5) do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức.
Các sự kiện này đều có sự góp mặt, tham gia của nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội để góp phần vào việc quảng bá sản phẩm, quà tặng cũng như thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân tò he Đào Văn Lũy ở làng Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) cho biết, việc tổ chức các sự kiện này đã giúp các làng nghề có cơ hội để tiếp cận lại với khách hàng cũng như quảng bá sản phẩm tới du khách.
Còn theo Chi hội Làng nghề – làng cổ – làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội), các làng nghề đang nỗ lực phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch, vì thế, việc tham gia các lễ hội du lịch, quà tặng là cơ hội lớn để các làng nghề xây dựng liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Gian hàng sản xuất mỹ nghệ sừng thu hút sự chú ý của khách tham quan.
Du lịch Hà Nội đang đứng trước cơ hội “vàng” để quảng bá, thu hút khách quốc tế. Cùng với nỗ lực xây dựng sản phẩm mới của các đơn vị kinh doanh du lịch, điểm đến, lữ hành, lưu trú, hoạt động của các làng nghề với sự chuyển mình trong thời gian gần đây cũng góp phần không nhỏ vào việc quảng bá du lịch Thủ đô và các sản phẩm quà tặng hấp dẫn cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, một trong những mục tiêu là gắn phát triển làng nghề với hoạt động du lịch. Thời gian tới, để phát huy giá trị điểm đến, Sở Du lịch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát (famtrip) tới các làng nghề với sự tham gia của các đơn vị lữ hành để thiết kế thêm những tuyến du lịch mới cho Thủ đô.
Nguyễn Thị Hoài
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch