Lớp bánh mì mềm dai bên ngoài, cộng thêm vị mát lạnh, nhưng không ngọt ngấy của kem bên trong, vị thơm béo của đậu phộng và sữa đặc, tất cả hoà vào nhau lại hợp đến kỳ lạ.
Hình ảnh chiếc xuồng máy chạy trên sông chở thùng bánh mì kem có lẽ đã rất quen thuộc với những ai sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước. Cứ những lúc ở nhà là đám trẻ con xuống mé sông ngóng bóng dáng chiếc xuồng cô bán bánh mì kem chạy ngang.
Nói đâu xa xôi, xuồng bánh mì kem gần 20 năm này là của cô Tư Loan (Ðặng Thị Loan, ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời). Dù đã gần 55 tuổi, cuộc sống của cô vẫn chưa vơi đi nhọc nhằn từ hồi con gái đến tận bây giờ. Mỗi tối, cô Tư đều tự làm kem dừa đựng trong thùng inox, rồi sáng hôm sau lấy bánh mì, khiêng thùng kem xuống xuồng chuẩn bị cho một ngày đi bán. Ðể giữ cho kem không bị tan chảy dưới trời nắng, cô đặt thùng kem giữa một chiếc thùng xốp, thay cho tủ lạnh. Chiếc xuồng chở thùng bánh mì kem cứ vậy chạy dọc theo các con sông, kênh, rạch.
Kem dừa được cô Tư Loan đựng trong thùng inox, bên ngoài là chiếc thùng xốp giữ cho kem không bị chảy. Khi bán, cô múc kem cho vô bánh mì, rưới thêm đậu phộng, sữa đặc ngọt béo.
Cô Tư kể: “Vợ chồng tôi quê ở Bạc Liêu, vì kiếm sống mà sắm xuồng máy đi làm nghề bán muối xuống tận đây. Thấy làm ăn cũng ổn nên cắm sào định cư nơi đây luôn. Không có đất cát gì để sản xuất, mà hồi trước có học nghề làm kem, nên sắm thêm chiếc xuồng để làm kem đi bán. Còn chồng vẫn làm nghề bán muối. Mùa nắng bán được hơn mùa mưa. Con nít khoái ăn lắm. Hôm nào mưa gió quá phải nghỉ. Chạy vòng vòng các xóm để bán cũng hơn 20 km. Hôm nào đắt thì bán hết 150 ổ bánh mì với 6 ký kem, hôm nào ế ế thì 7-8 chục ổ bánh mì kem. Còn dư thì vợ chồng, con cháu ăn trừ cơm. Mỗi ngày cứ ra 150.000 đồng tiền bánh mì, 120.000 đồng tiền xăng, làm kem tốn 150.000 đồng nữa, nên trừ hết chi phí, lời 150.000 đồng là mừng lắm rồi”.
Trong quê thì bánh mì kem là quà vặt yêu thích nhất của tụi nhỏ. Xin người lớn được 5.000 đồng là tụi con nít ra mé sông đứng canh cô bán bánh mì kem chạy xuồng ngang. Bên cạnh bánh mì kem, cô Tư Loan bán thêm kem ly, bánh mì thịt, bánh mì chả, đa dạng nhiều món cho tụi nhỏ tha hồ lựa chọn và đổi món.
Ông Năm Ân (Trần Văn Ân, ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) đã ngoài 60 tuổi, có mấy đưa cháu, cứ mấy ngày là xin tiền ông để mua bánh mì kem. Ông cũng hay ăn chung với tụi nhỏ cho vui.
“Chịu mua bánh mì kem cho mấy đứa nhỏ là tụi nó mừng dữ lắm. Ở tuốt ngoài đê Sào Lưới này nên tới trưa cô bán bánh mì kem mới chạy xuồng tới. Nhất là lúc nghỉ hè này, hễ ăn cơm xong, chưa qua bụng là tụi nhỏ đứng ngóng rồi”.
Những ngày hè oi ả, đối với người lớn, ăn ổ bánh mì kem mát lành mà nhớ lại cả bầu trời tuổi thơ.
Ổ bánh mì dồn kem là món ăn vặt bình dân xuất hiện đã lâu ở Cà Mau. Bây giờ, món ăn vặt tuổi thơ này còn được người ta chạy xe máy bán trên những con đường lộ bê-tông nối liền. Nhưng đâu đó trên các con sông, vẫn còn bóng dáng xuồng bánh mì kem tồn tại như một minh chứng của thời gian.
Một điều đặc biệt là mùa nào cũng có thể ăn được món này, bởi kem kết hợp với bánh mì sẽ không quá lạnh mà dịu mát, cũng chẳng quá ngọt. Giữa thời buổi hiện đại, với biết bao loại kem mới mẻ, bánh mì kem nay không còn bán nhiều nữa, thậm chí là rất hiếm. Cũng chính vì vậy, lâu lâu được ăn lại món ăn này bạn sẽ càng thấy hương vị tuổi thơ thú vị và đáng quý biết bao./.
Thảo Mơ
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch