Hơn nửa tháng nay, gia đình bà Phạm Minh Lệ (khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc) tất bật sản xuất bánh phồng tôm để đáp ứng các đơn đặt hàng. Mỗi ngày gia đình bà Lệ sản xuất cả trăm ký bánh để kịp cung ứng cho thị trường. Ðể bánh phồng tôm giòn ngon, bà Lệ luôn chú trọng khâu nguyên liệu, từ lựa chọn tôm đến bột làm bánh đều phải chất lượng, khi chế biến bánh phồng sẽ có hương vị đậm đà, thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dùng. Mỗi năm bà Lệ xuất bán ra thị trường khoảng 1-2 tấn bánh phồng tôm thành phẩm. Năm nay, giá bánh phồng tôm tăng 5.000 đồng/kg, tuỳ vào loại bánh giá dao động từ 100.000-150.000 đồng/kg, góp phần tạo thu nhập cho cơ sở của gia đình đón Tết sung túc.
Những ngày này, làng nghề bánh phồng tôm huyện Ngọc Hiển sôi động hơn.
Bà Lệ phấn khởi: “Gần Tết làm thấy ham lắm, mỗi ngày bán cả trăm ký bánh, lãi trên 1,5 triệu đồng. So với những năm trước sức mua có giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng không đáng kể. Giá nguyên liệu tăng nhưng bánh của gia đình bán ra không tăng so với trước đây. Mẫu mã sản phẩm phải bắt mắt, các công đoạn như pha chế bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh… phải cẩn thận và trau chuốt để cho ra từng miếng bánh đẹp, đảm bảo độ giòn, thơm, ngon cho người tiêu dùng”.
Bánh phồng tôm được làm theo phương pháp thủ công, giữ được hương vị đặc trưng, đậm đà. Bên chiếc nồi hấp bánh nghi ngút hơi khói, chị Văn Thanh Châu (khóm Rạch Gốc B) nhanh nhẹn, khéo léo tráng bột thật đều để khi bánh chín sẽ không quá dày hoặc mỏng. Chị Châu chia sẻ: “Thời điểm cuối năm là những hộ dân làm bánh phồng tôm nhộn nhịp hơn hết. Hiện rất dễ biết nhà nào làm bánh phồng, bởi trước nhà đầy sào bánh, phơi dưới ánh nắng, kịp xuất bán cho người tiêu dùng. Bánh phồng tôm của gia đình xuất bán khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nghề làm bánh phồng tôm của huyện ven biển đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định”.
Bà Trần Thanh Nhanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Chính nhờ nghề làm bánh phồng tôm mà nhiều chị em phụ nữ của khóm có việc làm. Mỗi dịp Tết, hộ làm bánh phồng tôm thu nhập vài chục triệu đồng. Bánh phồng tôm xuất bán ra thị trường luôn hướng đến chất lượng ngon, đảm bảo vệ sinh và đây là sản phẩm dùng làm quà biếu cho mọi người vào dịp Tết”.
Những ngày này, Hợp tác xã Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây tăng công suất hoạt động để cung cấp hàng chục tấn bánh cho các siêu thị, đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, ngoài phương thức bán bánh phồng tôm thông qua giới thiệu sản phẩm, trưng bày tại các gian hàng trong siêu thị, Hợp tác xã Tân Phát Lợi bán hàng bằng hình thức online, trên website sàn giao dịch điện tử. Nhờ vậy, số lượng bánh phồng tôm tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Năm qua, hợp tác xã xuất bán trên 10 tấn bánh. Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết, giá bán bánh phồng tôm 200.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm bánh của hợp tác xã đa dạng về chủng loại, như bánh phồng hàu, bánh phồng khoai môn, bánh phồng chuối, bánh phồng cua… “Chất lượng bánh phồng tôm được ưu tiên về tôm tươi, kết hợp các nguyên liệu là bí quyết riêng để cho ra mẻ bánh chất lượng ngon nhất. Chỉ cần dùng miếng bánh phồng của hợp tác xã thì thực khách phương xa sẽ nhớ mãi về vị, mùi, độ ngon của bánh… cảm nhận được đất và người dân xứ biển, nơi được thiên nhiên ưu đãi có nhiều hải sản tươi ngon”, ông Bùi Văn Chương tự hào.
Toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 30 cơ sở, hộ dân làm nghề bánh phồng tôm, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn bánh. Với nhãn hiệu tập thể bánh phồng tôm Mũi Cà Mau ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng và được thị trường trong nước biết đến. Giờ đây, món bánh phồng tôm đã trở thành món ăn đặc sản và không thể thiếu của nhiều gia đình trong những ngày Tết đến xuân về. Với sự tỉ mỉ, chăm chút trong từng chiếc bánh của người làm, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau được người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu cho nhau trong mỗi dịp Tết./.
Chí Hiểu
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch