Còn cây giấm (còn gọi là bụp giấm, cẩm thanh) vốn mọc hoang dại khắp nơi ở miền Tây, thuộc loại thân thảo, hoa màu vàng hồng (hay tím). Trái giấm có hình trứng (tương tự củ hành tím), vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh (từ 5 đến 6 mảnh) bao quanh túi hạt. Những mảnh vỏ trái màu đỏ, là nguyên liệu quí trong ẩm thực cũng như trong y học.
<!—->
Đối với các bà nội trợ miền Tây, trái giấm là thứ gia vị chua thanh không thể thiếu trong các món ăn, nhất là món cá kèo kho trái giấm.
Trước hết, lựa những mớ cá kèo tươi, cho vào rổ. Xé nhỏ lá chuối tươi (hoặc lá chuối khô cũng được) cho vào rồi dùng tay chà xát cá, xả nước lạnh vài lần cho sạch nhớt. Lấy dao bén cắt bỏ phần miệng và đuôi cá (không cần mổ cá). Nhớ đừng dùng muối chà xát cũng như cắt cá ra làm đôi khi chế biến, cá sẽ cứng mất ngon. Trái giấm lựa những trái già, vỏ màu đỏ thẫm, tách lấy phần vỏ (khoảng 50 gram), rửa sạch, để ra rổ cho ráo.
Bắc nồi nước lên bếp nấu sôi và cho vỏ trái giấm vào đun đến khi chín mềm. Dùng muỗng nghiền nát vỏ cho chất chua (màu hồng nhạt) hòa tan với nước (bỏ xác) cùng. Nêm nếm gia vị (nước mắm + đường + bột ngọt + một ít nước màu) cho vừa khẩu vị, nấu sôi. Cuối cùng, cho cá kèo (đã sơ chế) vào nấu với ngọn lửa liu riu. Chờ nước sôi bùng lên, cá nứt da, nhắc xuống ngay (vì cá kèo sợ lửa, chín quá mất ngon), múc cá ra dĩa. Nhớ thêm đầu hành lá xắt nhuyễn, một ít tiêu xay cùng vài lát ớt sừng cho có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn, là đủ!….
Nếu có dịp đến Cà Mau, mời bạn hãy vào quán khám phá món nầy. Qua đó, bạn sẽ thấy sự khéo léo, tài hoa của người nội trợ nơi đây cũng như nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất Mũi này…/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch