Cá chua được làm từ 4 nguyên liệu chính là cá trôi suối (tiếng Tày gọi là pa-ban), cơm nguội, lá ổi và muối tinh. Điều đáng lưu ý, cá được chọn phải là loại cá trôi sinh sống tự nhiên ở suối, bởi loại cá này thịt dai, săn chắc, có vị ngọt lại ít tanh.
Để làm được món cá chua, trước hết cần sơ chế cá rồi rửa sạch, dùng khăn sạch lau khô cá, thái thành từng khúc (độ dài ngắn tuỳ sở thích). Bước tiếp theo đem gạo tẻ nấu chín thành cơm, xới ra để nguội. Cơm nguội chính là yếu tố quyết định sự khác biệt và tạo nên vị chua, hương vị đặc trưng của món cá chua. Sau đó, xát muối trắng vào từng miếng cá với tỷ lệ vừa phải, không được quá mặn hoặc quá nhạt rồi trộn tiếp với cơm nguội. Cá sau khi được bóp đều với cơm nguội và muối tinh, được xếp vào lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa rồi chèn lá ổi lên phía trên miệng lọ, đậy kín nắp. Để tiến hành công đoạn ủ chua phải úp ngược lọ cá lên. Mục đích là để trong quá trình cá lên men chua, nước từ cá sẽ chảy ngược xuống không làm cá bị hỏng, nhão. Công đoạn này có thể mất từ 7 đến 15 ngày hoặc có thể lâu hơn nữa, tuỳ thuộc vào thời tiết từng mùa và sở thích của người dùng.
Cá chua là món ăn thường được người Tày dùng thiết đãi khách quý khi đến chơi nhà. Khi lấy cá ra ăn, cá chua có màu trắng, vị thơm hấp dẫn. Món này được ăn kèm với lá lốt và lạc rang, chấm với mắm ớt, măng chua mới thưởng thức hết độ ngon của cá. Hương vị đậm đà của món cá chua với vị mặn của muối, vị ngọt xen lẫn vị chua vừa ăn của cá, bùi của lạc rang và hương vị đậm đà của lá lốt xanh. Tất cả quyện thành một hương vị rất khó quên, ăn một lần thôi cũng khiến thực khách nhớ mãi.
Nếu có dịp đến Lâm Bình, Tuyên Quang khám phá phong tục tập quán của người dân nơi đây, bạn đừng quên thưởng thức món ăn lạ, độc đáo này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch