<!—->
Trà Ổ là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Bình Định, giáp giới các xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng huyện Phù Mỹ, Bình Định. Người dân ở đây sống bằng nghề làm ruộng và đánh bắt thủy sản. Nhờ nghề này mà ở Phù Mỹ có món bún tôm nổi tiếng gọi là bún tôm Trà Ổ.
Đây là loại bún vừa rẻ, vừa ngon lại rất dân dã. Nếu có dịp ghé qua Bình Định về Bình Dương, huyện Phù Mỹ, hãy dừng lại ít phút để ăn thử món bún tôm độc đáo này.
Nét đặc trưng riêng của bún tôm Trà Ổ, trước hết là ở cách thức làm bún. Sợi bún không phải là loại làm sẵn bán ở chợ, hay bún được mua ở các lò bún nổi tiếng. Người bán bún tôm ở đây chế biến sợi bún ngay tại chỗ. Tức là khi có khách vào, chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã xay sẵn, xong hấp trong nồi nước đang sôi. Do vậy, sợi bún rất nhỏ, mềm và trong vắt. Mặt khác, tôm dùng để làm bún là những con tôm sinh sản tự nhiên, còn sống, được đánh bắt từ đầm Trà Ổ (còn gọi là đầm Châu Trúc). Con tôm trông rất nhỏ, nhưng thịt tôm lại săn chắc và rất ngọt.
Do nét độc đáo có một không hai đó nên tô bún tôm ở Trà Ổ có hương vị rất đặc biệt. Đầu tiên, người ta giã nhuyễn con tôm sống đã lột vỏ, sau đó nhúng sơ vào nồi nước đang ở độ sôi, rồi cho bún vào tô, chế nước xáo bún vào, rắc một ít tiêu bột, một ít bột ngọt, một ít hành hương. Thế là đã có ngay một tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm rất hấp dẫn. Thường thì bún tôm được ăn kèm với bánh tráng gạo nướng.
Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy thích, nhưng ăn vài lần thì nghiện lúc nào không hay. Nghiện vì chất ngọt của nước xáo bún, của mùi hành hương thơm ngát và nghiện luôn cả chiếc bánh tráng nướng nho nhỏ. Đặc sản bún tôm là món điểm tâm buổi sáng rất độc đáo chỉ có ở một vài vùng quê thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Cái độc đáo của bún tôm ở đây phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm nước cho mềm rồi xay thành bột nhão, sau đó cho vào một chiếc túi vải để ráo nước và đổ vào cối đá giã nhuyễn lần nữa. Mỗi cối bột là một mẻ bún, người ta sử dụng ống nhôm, một đầu để trống, đầu kia bịt kín có đục các lỗ nhỏ bằng cọng tăm để tạo thành sợi bún. Thân ống được lắp vào bàn ép đặt cố định phía trên nồi nước sôi. Người bán bún ép sợi bún chảy vào nồi nước đang sôi sùng sục trên bếp lữa hồng. Sợi bún gặp nước sôi liền chuyển sang màu trong là chín tới.
Ở Châu Trúc nhà nào cũng có từ vài chục đến vài trăm chiếc giẹp, đó, được đan bằng cật tre dùng để bắt tôm, cá. Mồi nhử tôm thường được làm từ cám gạo rang trộn chung với xương bò đốt cháy, sau đó vo thành từng viên, bọc vào miếng vải rồi đặt vào trong các bẫy đó, giẹp. Chiều tối đặt và sáng sớm thu về. Nếu giỏi mỗi tối cũng bắt được vài ba cân. Đi từ thị trấn Phù Mỹ ra đến Mỹ Châu đều có bán đặc sản bún tôm. Những quán bún tôm thường đơn giản nhưng lúc nào cũng đông khách, nhất là vào sáng sớm./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch