Theo đó, Bình Thuận có 4 đặc sản được chính thức công nhận vào hành trình quảng bá ẩm thực đặc sản Việt Nam lần thứ nhất trong top đặc sản và ẩm thực Việt Nam. Bao gồm: thanh long Phú Hội, mực một nắng Phan Thiết, nước mắm Phan Thiết và lẩu thả. <!—->
Những đặc sản trên đã được tuyên truyền khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ bắt đầu đi vào cửa ngõ phía nam Phan Thiết hay đi dọc trên tuyến đường đoạn Hồng Liêm, Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) chúng ta đã thấy những hàng bày bán thanh long chạy dài hai bên đường. Những trái thanh long được xếp ngay ngắn trên quầy hay trong từng giỏ cần xé đỏ rực nhìn thật đẹp mắt. Thanh long Bình Thuận giờ đã vươn xa sang tận trời Âu, qua các nước Đông Nam Á. Trái thanh long giờ không chỉ ăn tươi mà còn được chế biến thành các món ăn khá độc đáo như gỏi thanh long, canh thanh long nấu thịt bằm, thanh long kho… Chế biến thành nước giải khát, chế biến thành mỹ phẩm.
Ai đã từng ăn món mực một nắng Phan Thiết thì khó có thể quên được mùi vị của nó. Những miếng mực nướng vàng ươm, dày chấm với tương ớt thì không gì tuyệt hơn. Màu vàng nhạt, hương vị đậm đà, vị ngòn ngọt của chất đạm, nước mắm Phan Thiết không chỉ “Tam kỳ, lục tỉnh ai dùng cũng khen” mà vang danh toàn cõi Ðông Dương, sang tận trời Tây với sự kiện nước mắm Phan Thiết được Công ty Liên Thành mang nhãn hiệu Con Voi tham gia cuộc đấu xảo quốc tế tại Marseille (Pháp) vào năm 1922. Kể từ đó, nước mắm Phan Thiết đã vượt Ðại Tây Dương, có mặt ở nhiều nước châu Âu. Còn nhớ cách đây hơn 30 năm, bạn bè kêu đi ngang Phan Thiết là biết ngay bởi mùi nước mắm.
Lẩu thả được làm bởi các nguyên liệu rất phổ biến như cá đục, cá mai, cá suốt, nhưng ngon nhất vẫn là cá mai, một trong những loài cá đặc sản của vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận cùng với tôm biển, thịt heo, rau xanh, xoài sống, trái khế thái ngang, dưa leo xắt mỏng, bắp chuối, bánh tráng nướng, bún và trứng chiên. Ngoài ra không thể bỏ qua một yếu tố làm món lẩu thả ngon hơn đó là nước chấm, nước chấm phải từ nước mắm cá cơm tại Phan Thiết, thêm ớt xay, đậu phộng giã. Để thưởng thức có thể ăn món này theo 2 cách là khô và nước. Sau khi cho mỗi thứ nguyên liệu một ít vào chén, nếu chỉ ăn với nước mắm sẽ là món lẩu thả khô, còn cho thêm nước lèo nóng hổi trên bếp vào, vắt thêm tí chanh và vài lát ớt xắt sẽ là món lẩu thả nước. Vị dai và bùi của cá tái chanh, hương vị thơm béo của mắm đậu phộng hay nước lèo, cảm giác giòn tan của bánh tráng mè, vị ngọt của thịt luộc, trứng chiên và nhất là những hương vị quê hương như rau thơm, ngò gai, quế, bắp chuối, dưa leo, xoài xanh… sẽ đem đến cho những ai từng thưởng thức không những sự ngon miệng mà còn là sự đong đầy những nét thật gần gũi và hương vị của quê hương. Được biết, năm 2010 lẩu thả đã giành giải bạc tại Liên hoan ẩm thực Hà thành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và nhiều giải tại các hội thi nấu ăn tại các tỉnh trong toàn quốc. Ngoài ra, trong chuyến thăm Bình Thuận năm 2010, “Vua đầu bếp” Yan Can Cook (Hồng Kông) làm thử món lẩu thả rồi khen ngon bởi vị đậm đà của món ăn độc đáo này.
Thế đấy, tự hào về những hương vị đặc sản quê hương đã vang danh khắp nơi, càng thêm yêu quý quê hương mình hơn. Mong sao những đặc sản đó ngày càng được gìn giữ và phát triển vươn xa hơn nữa./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch