Một cơ sở dệt thảm xơ dừa ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn. Ảnh: NGUYỄN TÙNG ĐỆ
Qua khảo sát thực tế của Sở VH-TT&DL, nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX, tiếp nối nghề “Tiếp xơ dừa” có từ trước trong diễn trình lịch sử lập làng ở đây qua nhiều giai đoạn lịch sử. Sản phẩm tiếp xơ dừa ngày nay vẫn còn được gìn giữ, song phần lớn các gia đình làm nghề đã chuyển sang sản xuất thảm xơ dừa. Nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan từng có thời kỳ hưng thịnh, hàng làm ra được xuất khẩu ra nước ngoài và những năm gần đây, sản phẩm mỹ nghệ từ xơ dừa ở Tam Quan được thị trường trong nước tiêu thụ khá mạnh. Nhiều khách sạn, nhà hàng lớn ở Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận… đã đến đặt hàng thảm xơ dừa Tam Quan Nam sản xuất để lót sàn. Làng nghề dệt thảm xơ dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xơ dừa ở huyện Hoài Nhơn là một trong ba làng nghề thuộc nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được UBND tỉnh quy hoạch phát triển đến năm 2020. <!—->
Nghề dệt thảm xơ dừa cũng đã tạo nhiều cảm hứng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo những tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị cao. Anh Nguyễn Tùng Đệ, hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định hiện ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tâm sự: “Quê tôi ở gần các làng nghề dệt thảm xơ dừa, nên tôi đã có nhiều chuyến đi tìm hiểu để có cảm hứng sáng tác và tác phẩm “Nghề làm thảm xơ dừa” đoạt Huy chương Đồng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên lần thứ 15 năm 2010”.
Các sản phẩm thảm xơ dừa không chỉ đem lại giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hóa, là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng của người Bình Định. Vì vậy, Sở VH-TT&DL đã chọn thực hiện Dự án văn hóa phi vật thể năm 2015 “Bảo tồn làng nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”. Địa điểm thực hiện Dự án là ở các xã: Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn); xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ) và một số địa phương khác có nghề dệt thảm xơ dừa truyền thống ở Bình Định.
Giai đoạn chuẩn bị của Dự án được triển khai từ tháng 5 – 6/2015, cán bộ các phòng chức năng của Sở VH-TT&DL đã phối hợp với cán bộ các địa phương, đơn vị cùng nghiên cứu tư liệu, xây dựng đề cương khoa học triển khai Dự án. Hiện nay, Sở VH-TT&DL đã hoàn thành dự thảo đề cương khoa học triển khai Dự án. Dự kiến, từ tháng 7 – 10/2015, Dự án sẽ triển khai ghi hình, ghi âm và khảo sát điền dã, sưu tầm, ghi chép tư liệu chuyên sâu. Các sản phẩm của Dự án sẽ được gửi cho Bộ VH-TT&DL để nạp vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể và lưu trữ tại Sở VH-TT&DL để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề truyền thống dệt thảm xơ dừa./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch