Một bữa cơm với các món ăn truyền thống của người Êđê. Ảnh: T. Trâm
Những món ăn đặc trưng của người Êđê chủ yếu sử dụng các nguyên liệu từ rừng, từ tự nhiên như: món cà đắng vách bò (phần đầu ruột non của bò) được chế biến từ cà đắng, ớt xanh, củ nén, rau djam băl; món canh bột (Djam pŭng êyao) gồm các nguyên liệu: Xương heo, mdơk (một loại rau thuộc họ môn nhưng mọc ven suối, ven đầm lầy, vùng trũng), đu đủ xanh, ớt xanh, củ nén, rau djam băl, djam djač, gạo, lá êyao tươi (một loại lá rừng có vị ngọt, mùi thơm) và các gia vị…
Trước đây, nguyên liệu để chế biến món ăn truyền thống được lấy từ thiên nhiên nhưng hiện nay môi trường thiên nhiên không còn cung cấp được nữa, các nguồn nguyên liệu từ thị trường đang dần chiếm ưu thế, phần lớn nguyên liệu sử dụng trong các bữa ăn được mua sẵn ở các cửa hàng. Trong đó, thức ăn được mua nhiều nhất là thịt, cá và các loại rau như bắp sú, cải ngọt, bí đỏ, bí xanh… hay hái những rau trồng trên rẫy về dùng. Các loại rau như ktôñ, kthih, djam tang, djam băl, djam djač, mdơk, đọt mây… ngày càng trở nên khan hiếm, muốn có những loại rau này phải vào rừng sâu để kiếm.
Trong không gian bếp hiện nay của người Êđê, thực phẩm, gia vị chế biến công nghiệp như: đường, sữa, dầu ăn, hạt nêm, xì dầu… không còn xa lạ. Theo quy định về việc cúng tế thần linh, đãi khách quý hoặc tổ chức đám cưới, lễ tang, lễ vật phải là những con vật được nuôi dưỡng cẩn thận để thể hiện sự biết ơn với thần linh. Nhưng hiện nay, người Êđê hòa nhập cùng với các cộng đồng cộng cư, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa ngày càng mạnh mẽ nên trong các đám ma, lễ cúng ở gia đình hay cúng bến nước, người ta chỉ cần ra chợ mua đầy đủ các nguyên liệu. Ngoài món ăn đặc trưng là canh bột lá êyao, canh cà đắng nấu vách bò, người ta có thể chế biến nhiều món ăn hơn, và lễ vật hiến sinh cho thần linh không nhất thiết phải là vật nhà nuôi như trước nữa. Chị H’Niêm Êban (buôn Kmrơng Prŏng A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Trước kia, tiệc cưới do chính người trong buôn tự chế biến để đãi khách nhưng ngày nay, họ đều đặt nhà hàng nấu. Trong các đám tang người ta đặt sẵn cơm hộp và chia đều cho người đến viếng cho tiện. Nếu muốn ăn các món truyền thống như cà đắng, canh bột thì có thể đặt nhà hàng người Êđê nấu”.
Theo thời gian, người Êđê đã chuyển từ đựng thức ăn bằng lá chuối, lá rừng, tô, chén, nồi làm từ đất nung, nồi đồng sang dùng tô chén, sứ, muỗng, đũa…; hút thuốc lá đầu lọc thay vì bằng tẩu. Một số món ăn, đồ uống mang bản sắc của tộc người Êđê đang biến đổi rất nhiều. Để kiếm được nguyên liệu từ lá rừng cho món canh bột như lá Êyao, Djam băl (rau chát) đọt mây, Êbua ktăl (môn rừng),… người ta phải đi xa từ 5- 10 km để kiếm về, không sẵn có như trước. Men lá làm rượu cần Êđê – nguyên liệu quan trọng nhất làm nên hương vị đặc biệt của rượu – không còn nhiều người biết nữa.
Việc bảo tồn ẩm thực truyền thống của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc khác là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực của người Êđê cũng chính là bảo tồn văn hóa truyền thống của người Êđê.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch