Từ Quy Nhơn, đi xe máy hay ô tô, theo đường qua thị trấn Tuy Phước rồi rẽ về hướng Phước Sơn; hay qua cầu Thị Nại rồi men tuyến đường ven đầm đến Cát Tiến rẽ xuống; cả hai tuyến đều dài chưa tới 30km. Quán nhỏ, không biển hiệu, nằm ngay ven đường nhưng thực khách luôn vào ra… <!—->
Đừng nghĩ quán lá đơn sơ, lại nằm tít tận xã Phước Sơn mà đỏng đảnh. Những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, chỉ cần chậm chân một chút, coi chừng bạn… hỏng ăn. Phần bởi cái tiếng “bánh xèo tôm nhảy” đã lan xa, đến nỗi ngay những thực khách sành ăn phương xa, tìm đến Bình Định, thể nào cũng muốn ghé, thưởng thức món ngon danh trấn này một lần cho biết. Thêm nữa, dù khách đông hay vãn, 30 năm nay có lẽ, mỗi ngày bà Năm Tuấn, tên thật là Lý Thị Thu, năm nay 77 tuổi, cũng chỉ chuẩn bị đúng 1 ký gạo, 2 ký tôm. Thời gian mở cửa của quán luôn cố định, bắt đầu từ 7 giờ sáng.
Cái ngon của bánh xèo Mỹ Cang, ngoài cách làm bột và đổ bánh sao cho giòn, làm nước mắm sao cho ra cái vị nước mắn; còn nằm ngay ở những con tôm đất mang đủ cái tươi ngon của vùng sông nước khu Đông. Tôm tươi rói, nhảy lách tách trong rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh đang ở trên lò than, ửng hồng lên, thật đẹp. Hơn chục con tôm trong một lát bánh xèo. Chỉ có con tôm đất mới có được vị ngọt, giòn cho bánh xèo, ấy là bà Năm nói vậy. Rau sống ăn kèm bánh là một dĩa gồm xoài và dưa leo xắt mỏng, cùng những lá xà lách, rau thơm còn tươi như mới lặt từ mảnh vườn nhà. Cạnh đó, chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường, pha chế hấp dẫn. Nhúng nửa cái bánh tráng, đặt cái bánh xèo lên trên kèm một ít rau sống rồi cuốn chặt lại, chấm vào chén nước mắm Gò Bồi vàng ươm. Chao ôi! Cái ngọt của tôm, cái giòn của gạo, chút chua, chát của xoài… Tất cả quyện lại – ấy đã là một phẩm vị.
Kể từ khi bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cái nhắc nhỏ của những khách sành ăn, một số quán ở Quy Nhơn bắt đầu làm theo hay thậm chí là ăn theo luôn cả “thương hiệu”…
Riêng tôi, kể từ ngày có các quán bánh xèo tôm nhảy ở Quy Nhơn, cũng đâm ra ngại đi Phước Sơn. Phần vì đường xa, phần khác lại nỗi lo liệu có đến lượt mình ăn chăng? Nhưng đấy mới chính lại là một trong những yếu tố quan trọng làm nên cái khác biệt của quán bánh xèo Năm Tuấn. Vừa đi, vừa ngắm cảnh đồng quê, vừa hồi hộp nghĩ đến chuyện mình sẽ được thưởng thức món bánh xèo tôm đất còn búng tanh tách trên khuôn. Thảng trong lúc chờ đợi, khách sẽ ra sau vườn ngồi dưới rặng tre hay chui hẳn vào… gầm cầu sát bờ sông mà ngồi nhìn nước chảy, mây trôi, thêm vài chú trâu đang đủng đỉnh tắm mát. Nồng ấm lắm cái hương quê thân quen ấy. Chẳng thế, như có người đã viết, rằng ăn bánh xèo bà Năm, dường như không chỉ để ăn “mà còn để được sống trong cái không gian ấm mùi khói bếp, cái gian nhà ăm ắp sự chăm sóc của một bà mẹ quê”. Cảnh ấy, vị ấy, và sự hoài nhớ như vậy, liệu chẳng sướng sao – ấy là tôi cũng bắt chước cách nói của Thánh Thán vậy./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch